Xe nhập về nhỏ giọt, xe lắp ráp độc chiếm thị trường
Theo nội dung Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế suất thuế nhập khẩu ô tô từ các thị trường nội khối (tỉ lệ nội địa hóa trên 40%) về Việt Nam sẽ giảm dần từ 40% năm 2016 xuống còn 30% năm 2017, trước khi chính thức về 0% từ đầu 2018.
Với mức giảm thuế suất lên đến 40%, lộ trình này từng là niềm hi vọng của không chỉ các nhà nhập khẩu ô tô mà còn của phần lớn khách hàng. Bởi với các nhà nhập khẩu, đây là cơ hội để xe nhập có thể bứt phá cạnh tranh với xe lắp ráp trong nước; còn với khách hàng, ước mơ xe giá rẻ sẽ gần hơn bao giờ hết. Có lẽ vì vậy, mà trong năm 2017, các hãng xe nhập đã chủ động giảm nhịp, trong khi khách hàng giữ tâm lí chờ đợi, dẫn đến sự ảm đạm, cầm chừng của thị trường.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi cột mốc 01.01.2018 đã đi qua gần 6 tháng, niềm hi vọng của khách hàng về lộ trình giảm thuế suất thuế nhập khẩu, về ô tô giá rẻ đang dần chuyển thành sự thất vọng. Xe nhập khẩu đã được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%, nhưng giá xe không giảm như mong đợi. Thậm chí ngay cả nguồn cung cũng thiếu hụt do xe chưa thể cập cảng. Người tiêu dùng giờ đây dù có tiền cũng khó mua được xe.
Lúng búng vì Nghị định 116, xe nhập vật vờ từ đầu năm
Sở dĩ, giấc mơ xe nhập giá rẻ đến thời điểm này vẫn chưa thể thành hiện thực phần lớn do sự xuất hiện của Nghị định 116, quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Sự xuất hiện bất ngờ của Nghị định này đã khiến xe nhập khẩu bị đẩy vào thế khó bởi nhiều quy định ngặt nghèo. Riêng với các hãng xe, sau những tháng cuối năm 2017 liên tục lên tiếng, thậm chí gửi đơn kiến nghị nhưng bất thành, họ cũng phải mất thêm đến vài tháng đầu năm 2018 để “loay hoay” với các loại giấy tờ, thủ tục.
Đáng nói, đến tháng 5/2018, ngay cả khi hầu hết các hãng xe nhập đều đã có trong tay Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại được cấp bởi chính phủ Thái Lan và Indonesia (2 thị trường chính xuất khẩu xe sang Việt Nam), thì xe nhập khẩu vẫn chưa thể về nước. Bởi lẽ theo lí giải, sau khi có loại giấy này, nhiều hãng mới bắt đầu tiến hành đặt xe tại các nhà máy. Và nếu cộng với thời gian sản xuất, vận chuyển và kể cả thời gian kiểm định, thông quan, phải đến 4-5 tháng những lô xe nhập mới có thể về đến đại lý. Lô xe Honda về nước hồi tháng 3/2017 chỉ là một trường hợp cá biệt. Vì sở dĩ lô xe này có thể cập cảng sớm (từ tháng 3/2018) là bởi hãng xe Nhật đã chủ động đặt hàng trước đó.
Mặc dù vậy, với số lượng khiêm tốn chỉ hơn 2.000 chiếc, lô xe này cũng không thể vực dậy đà suy giảm của xe nhập khẩu. Theo số liệu từ Tổng cục Hải Quan Việt Nam, tính đến hết tháng 4/2018, chỉ có tổng cộng 6.754 xe được nhập về nước, đạt trị giá gần 180 USD. Con số này so với cùng kì năm 2017 giảm mạnh đến 79% về lượng và 72% về trị giá.
Xe không thể về nước dẫn đến tình trạng khan hàng kéo dài với hầu hết các mẫu xe nhập khẩu có nguồn gốc từ khu vực ASEAN. Trong đó, có những mẫu xe đình đám như Toyota Fortuner, Ford Ranger,…Chính việc khan hàng kéo dài đã khiến doanh số bán của xe nhập khẩu trong quý I/2018 giảm mạnh 48%, chỉ đạt 9.509 xe so với mức 18.415 xe của cùng kì năm 2017 (theo số liệu thống kê từ Hiệp hội sản xuất và lắp ráp ô tô Việt Nam (VAMA)).
Sân chơi của riêng xe lắp ráp
Sự vắng bóng của xe nhập khẩu chính là cơ hội không thể tốt hơn để các mẫu xe lắp ráp trong nước tăng tốc. Chính vì vậy, cũng chẳng ngạc nhiên khi trong nửa đầu năm 2018, doanh số bán ra của xe lắp ráp tại Việt Nam đang áp đảo xe nhập khẩu.
Cụ thể, theo số liệu từ VAMA, tính đến hết tháng 4, lượng xe lắp ráp trong nước bán ra đạt 67.959 chiếc, tăng 8% so với thời điểm tháng 4/2017. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, xe nhập khẩu lại giảm mạnh đến 47% so với cùng kì năm ngoái khi chỉ đạt doanh số 12.722 xe.
Sự áp đảo của xe lắp ráp cũng thể hiện rõ trong bảng xếp hạng xe bán chạy khi các mẫu xe nhập khẩu dần vắng bóng qua từng tháng. Đỉnh điểm đến tháng 4/2018, chỉ còn duy nhất một mẫu xe nhập khẩu góp mặt trong Top 10 xe bán chạy nhất tháng là Honda CR-V. Mẫu xe của Honda với lô hàng được nhập về hồi tháng 3 đã bứt tốc để vươn lên xếp vị trí thứ 2 và chỉ chịu xếp sau “ông hoàng” Toyota Vios. Tuy nhiên, trong bối cảnh xe nhập khan hàng “trên diện rộng”, CR-V cũng chỉ là một cánh én, không thể làm nên mùa xuân cho xe nhập.
Trong khi đó, với xe lắp ráp, khi nắm thế thượng phong và gần như chiếm lĩnh hoàn toàn sân chơi, trong tháng 5/2018, nhiều hãng bắt đầu điều chỉnh chiến lược. Cụ thể, một số hãng có thị phần thấp như Mitsubishi, Nissan…chọn cách tăng giá bán nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Mitsubishi tăng giá 15 triệu đồng cho mẫu Outlander phiên bản 2.0 CVT. Nissan tăng giá từ 10-11 triệu đồng tùy phiên bản cho mẫu sedan hạng B Sunny. Trước đó, hãng xe Nhật cũng đã điều chỉnh tăng giá bán với mẫu crossover X-Trail từ 25-27 triệu đồng. Một số đại lý Hyundai cũng điều chỉnh giá bán cho mẫu Hyundai Grand i10, mức tăng khoảng 10 triệu đồng. Trong khi mẫu SUV 7 chỗ SantaFe cũng có giá bán đội thêm từ 10-20 triệu tùy bản máy xăng hay dầu.
Ở chiều ngược lại, những hãng xe lớn như Toyota, Ford, Chevrolet lại mạnh tay giảm giá vài chục đến cả trăm triệu cho một số dòng xe. Chevrolet duy trì giảm giá vài chục triệu cho các mẫu xe nhỏ như Spark, Aveo, Cruze và mẫu bán tải Colorado. Đặc biệt, thương hiệu xe Mỹ cũng không ngần ngại giảm từ 30-80 triệu đồng cho “tân binh” Trailblazer, bất chấp mẫu xe này đang khá “hot” và rơi vào cảnh khan hàng. Trong khi đó, Ford Việt Nam cũng áp dụng khuyến mãi từ 27-60 triệu cho khách hàng mua Fiesta, Focus hay EcoSport. Toyota Việt Nam gây bất ngờ nhất khi giảm mạnh từ 40-50 triệu đồng cho khách mua hai mẫu xe bán chạy nhất phân khúc sedan hạng B và MPV là Vios và Innova.
Theo lí giải, sở dĩ các hãng xe lớn bất ngờ điều chỉnh giảm giá ở thời điểm này một phần nhằm “dọn kho” chuẩn bị ra mắt phiên bản mới. Mặt khác, một số hãng cũng bắt đầu có động thái chuẩn bị cho cuộc chiến mới khi xe nhập khẩu sẵn sàng “đổ bộ” về cảng.
Trở lại với bức tranh thị trường, có thể thấy dù tình hình chung của xe nhập khẩu lúc này đang khá ảm đạm, vật vờ; thế nhưng theo dự đoán của nhiều chuyên gia đầu ngành, sự ì ạch sẽ sớm chấm dứt trong 1-2 tháng tới. Bởi khi đó, lượng xe nhập khẩu sẽ về đại lý nhiều hơn. Những mẫu xe ăn khách như Ford Ranger, Toyota Fortuner,…sẽ chính thức quay trở lại thị trường. Khi đó, cuộc chiến giữa xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu hứa hẹn sẽ cân bằng hơn chứ chẳng phải màn “độc diễn” như hiện tại của xe lắp ráp.
Nguyên Tôn