Xe hiện đại có phải dễ hỏng vặt?
Trên thực tế, các chi tiết điện tử sẽ hao mòn nhanh hơn các chi tiết cơ khí. Thông thường, chẳng mấy ai đi hết một vòng đời xe nên có nhiều đánh giá phiến diện.
Qua dòng lịch sử, các nước Âu, Mỹ đã có nền công nghiệp luyện kim cơ khí phát triển rất lâu đời nên sản phẩm cơ khí của họ khá tốt và bền. Nhiều dòng xe của Volkswagen, Chevrolet.... sản xuất từ những thập niên 30, 40 nay vẫn sử dụng được và trở thành biểu tượng của hãng. Các hãng này cũng sản xuất các dạng xe bình dân trải rộng trên nhiều phân khúc chứ không phải cứ nhắc đến xe u, Mỹ là xe sang cả đâu.
Sản phẩm nào cũng bị cũ đi sau một thời gian sử dụng. Xe cũng không ngoại lệ. Xe nào cũng có tuổi thọ nhất định của nó. Sau chừng 10 năm thì bắt đầu xuống cấp vì độ mòn của các chi tiết đã đến các giới hạn, dung sai cho phép của cơ khí. Những loại xe hiện đại thì hệ thống điện, các cảm biến hệ thống tự động sẽ hao mòn nhanh và hư hỏng trước, phần cơ khí có thể lâu hơn.
Tuy nhiên, theo tôi, riêng về phần cơ khí thì chất lượng gia công chế tạo, độ chính xác lắp ráp xe Âu, Mỹ sẽ cao hơn các nước khác nên nó sẽ bền hơn. Vấn đề ở chỗ không nhiều người sắm xe để sử dụng từ lúc mới tinh đến khi bỏ vào bãi sắt vụn mà thường sau 5 năm, cùng lắm 10 năm là thay xe đổi xe mới và những rắc rối bắt đầu từ đây.
Câu chuyện xe này mau xuống cấp hay xe này ít hỏng hơn xe kia là sự so sánh thiếu chính xác. Xe này giữ giá còn xe kia thì không, trở nên quan trọng và nó trở thành vấn đề đáng phải cân nhắc khi quyết định mua xe. Chưa kể quan niệm sử dụng xe của giới nhà giàu khác giới bình dân gây nên những cuộc tranh luận không có hồi kết của các nhà thông thái lẫn chưa thông thái.
Cuộc chiến này có nhiều luồng ý kiến với hệ thống lý luận và cơ sở thực tiễn khác nhau rất phong phú. Ai cũng cho rằng mình có lý còn người khác thì không. Một điều chắc chắn là mọi thứ đều thay đổi theo thời gian. Câu chuyện chúng ta nói tới là của ngày hôm nay. Ngày mai mọi chuyện sẽ đổi khác nên chẳng lập luận nào đúng mãi hay sai vĩnh cửu .