Ứng dụng công nghệ đo lường lưu lượng giao thông mùa dịch Covid-19
Có thể do yêu cầu giãn cách và hạn chế ra đường trong thời gian chống dịch hoặc do đợt bùng phát Covid-19 thứ hai ảnh hưởng đến du lịch, lưu lượng giao thông ở các thành phố lớn tại Việt Nam vẫn chưa được phục hồi như cũ. Số liệu được dẫn theo nghiên cứu của Công ty Moving Walls, đặt trụ sở tại Malaysia, hợp tác với Cục Văn hoá Cơ sở, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Dựa trên 3 điểm thường xuyên đông người ở mỗi thành phố lớn là Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, nghiên cứu này được thực hiện tại 4 mốc thời gian khác nhau là trước dịch (trước 3/3/2020), trong thời gian giãn cách xã hội (sau 3/4/2020), sau giãn cách xã hội (sau 3/6/2020) và sau làn sóng Covid-19 thứ hai (sau 15/8/2020).
Cụ thể, nếu xem lưu lượng giao thông ở thời điểm trước khi bùng dịch là 100% thì lưu lượng giao thông trong thời điểm giãn cách xã hội ở Hà Nội, Tp.HCM và Đà Nẵng lần lượt là 12%, 14% và 3% - thể hiện sự tuân thủ giãn cách rất nghiêm túc.
Cho dù có sự nới lỏng sau giãn cách cùng tâm lý xả hơi, lưu lượng giao thông tại Hà Nội cũng chỉ tăng đến mức 54%, ở Tp.HCM là 61% và ở Đà Nẵng là 36%. Hiện tại, Hà Nội, Tp. HCM và Đà Nẵng đều đang ở mức phục hồi lưu lượng giao thông lần lượt là 65%, 58% và 39%.
Moving Walls đã sử dụng công nghệ có bằng sáng chế tại Mỹ - hệ thống và phương pháp đo lượng người tại một vị trí nhất định cho mạng truyền thông kỹ thuật số ngoài trời - để thu được kết quả trên.
Theo dõi bằng việc sử dụng dữ liệu điện thoại di động do các nhà cung cấp ứng dụng thu thập, công nghệ này chỉ ra được khá chính xác lưu lượng giao thông đi qua một vị trí được xác định bất kì.
Số liệu này gần như chính xác khi tỷ lệ người sử dụng smartphone tăng lên rất nhanh (67% trên toàn cầu và 150% tại Việt Nam). Nhằm đo lường hiệu quả của việc quảng cáo ngoài trời (một vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ), công nghệ này đã được giới thiệu vào Việt Nam.
Moving Walls đồng thời còn sử dụng các nguồn dữ liệu khác như theo dõi lưu lượng giao thông, mức độ sử dụng thiết bị số tại từng địa điểm, dữ liệu IoT (Internet of Things) nhằm ước tính khối lượng và nhận diện người dùng một cách toàn diện trong mỗi khu vực.
Bà Ninh Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hoá Cơ sở, cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo ở Việt Nam đánh giá cao chiến dịch thử nghiệm này và cho rằng đây sẽ là một bước đột phá đối với công tác quản lý quảng cáo ngoài trời.
Cụ thể, bằng cách thể hiện rõ những điểm nút giao thông có nhiều người qua lại và thói quen, tần suất tham gia giao thông, những nguồn dữ liệu trên sẽ mang đến kết quả đo lường khá chính xác về số lượng người nhìn thấy biển quảng cáo - điều này cho đến nay chỉ có môi trường số và truyền hình mới thực hiện được - và góp phần vào việc nâng cao hiệu quả của quảng cáo ngoài trời.
Một trong những băn khoăn rất lớn đối với các doanh nghiệp quảng cáo chính là hiệu quả của ngân sách quảng cáo ngoài trời. Nhờ công nghệ của Moving Walls, các doanh nghiệp sẽ nắm được số lượng người tiếp cận với quảng cáo của họ trên các cung đường khác nhau cũng như mức độ lưu lượng giao thông ở các thời điểm trong ngày. Từ đó, việc đưa ra các quyết định đầu tư vào các vị trí và thời điểm quảng cáo ngoài trời của doanh nghiệp sẽ có cơ sở chắc chắn hơn.
Ngoài ra, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội khác cũng có thể ứng dụng công nghệ này, chẳng hạn như đo lường lưu lượng giao thông mùa Covid-19. Dựa vào các hành vi của công chúng, các cơ quan quản lý sẽ có khả năng đưa ra những chính sách phù hợp để điều chỉnh hoặc các doanh nghiệp sẽ xác định được rõ hành động đầu tư cần thiết đối với nhu cầu của thị trường.
Ông Heng Aw, đại diện Moving Walls từ Singapore cho rằng công nghệ này vẫn ẩn chứa nhiều tiềm năng lớn. Nó hoàn toàn có thể dựa vào truy xuất dữ liệu vị trí để lập kế hoạch, mua, xác thực và phân tích nhằm nâng cao hiệu quả các biển quảng cáo ngoài trời hay những nội dung quảng cáo trong thang máy, vận tải công nghệ, trung tâm chuyển tuyến, trung tâm mua sắm...
Carmudi Vietnam là website hàng đầu trong việc cung cấp thông tin và trao đổi mua bán ô tô đáng tin cậy nhất tại Việt Nam!