Túi khí không bung trong trường hợp nào?
Mục tiêu khi chế tạo các tính năng an toàn là để bảo vệ người sử dụng ô tô. Hiện nay, công nghệ an toàn ô tô được chia thành hai loại: an toàn chủ động và bị động. Trong đó, an toàn chủ động là những tính năng hỗ trợ phòng tránh tai nạn, chẳng hạn như phanh chủ động... Ngược lại, an toàn bị động không giúp phòng tránh tai nạn nhưng nó có tác dụng hạn chế tối đa hậu quả của tai nạn, đó là các thiết bị như khung xe, dây đai an toàn, túi khí...
Trọng tâm của bài viết này là túi khí - một bộ phận trong hệ thống an toàn bị động. Theo những người có nhiều kinh nghiệm sử dụng ô tô, túi khí là bộ phận được thiết kế để bung ra khi xảy ra va chạm đe dọa đến sự an toàn của người ngồi trong xe. Đó cũng là lúc túi khí phát huy lợi ích. Tuy nhiên, không phải trường hợp va chạm nào túi khí cũng bung. Rất nhiều trường hợp tính mạng người ngồi trong xe bị đe dọa nhưng túi khí không bung. Từ thực tế đó, nhiều người cho rằng túi khí là bộ phận có khả năng bảo vệ hành khách thấp. Đó là nhận định sai lầm. Nếu va chạm không đủ mạnh hoặc đủ mạnh nhưng không đủ yếu tố kích hoạt thì túi khí vẫn không bung. Cụ thể là các trường hợp dưới đây:
Túi khí trước bung trong trường hợp nào?
Thông thường, túi khí trên xe ô tô sẽ bung khi xảy ra va chạm phía trước trong phạm vi giới hạn của hai mũi tên màu đỏ trên hình vẽ. Thế nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần. Còn điều kiện đủ ở đây là lực đâm phải đủ mạnh. Nếu lực đâm nhẹ, dây đai an toàn vẫn bảo vệ tốt người sử dụng, túi khí sẽ "nằm im".
Đâm vào tường cố định, chắc chắn túi khí sẽ bung
Đâm trực diện vào tường cố định, dù vận tốc chỉ khoảng 25 km/h, túi khí sẽ nhanh chóng bung ra. Trong trường hợp này, người ngồi trên xe lao về phía trước theo quán tính. Dây an toàn giữ chặt thân người, túi khí bung để cơ thể người ngồi không lao về phía kính lái.
Nếu người ngồi trong xe không thắt dây an toàn, xe đâm vào tường khi đang chạy với vận tốc 48 km/h, theo quán tính người đó sẽ lao về phía bảng táp lô và kính lái với một lực tương đương rơi từ tầng 3 của nhà cao tầng xuống đất.
Theo những người có kinh nghiệm lái xe ô tô, túi khí có thể bung nếu bị va chạm mạnh ở bên trái hoặc bên phải với điều kiện góc va chạm nằm trong khoảng 30 độ. Tuy nhiên, lực va chạm tương đối nhẹ thì túi khí sẽ không bung bởi dây đai an toàn vẫn đủ sức giữ thân người ngồi bên trong.
Túi khí bung phải dựa vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là sự thay đổi gia tốc. Chính vì vậy, nhiều vụ va chạm không trực diện nhưng túi khí vẫn bung. Chẳng hạn như khi bánh xe lọt vào hố sâu hoặc va đập mạnh với các chướng ngại vật trên đường như vỉa hè cao, gờ cao giảm tốc. Khi đó gia tốc xe đột ngột thay đổi.
Túi khí có thể không bung khi gặp tình huống nào?
Không hiếm khi chúng ta bắt gặp ô tô đâm vào cột điện, gốc cây nhưng túi khí không bung. Thực tế, đây là những tình huống có xác suất bung túi khí thấp. Chẳng hạn như vị trí va chạm trực tiếp với cột điện, gốc cây gần khung chịu lực của xe thì khi đó lực đã bị hấp thụ nên không đủ để kích hoạt túi khí.
Túi khí hiếm khi bung trong trường hợp nào?
Xe bị đâm từ phía sau, lật vòng hoặc rúc gầm xe tải... là những tình huống hiếm khi kích hoạt được túi khí bung ra.
Khi xe bị lật và lộn vài vòng, dây đai an toàn và khung xe phát huy tác dụng rõ nhất trong việc bảo vệ người ngồi bên trong. Lúc này túi khí bung hay không bung cũng vô ích.
Có không ít vụ tai nạn khiến xe bị lật xuống ruộng, túi khí bung ra. Rất có thể đây là một va chạm trực diện phía trước và có đủ yếu tố để túi khí bung trước khi xe bị lộn vòng.
Trong trường hợp xe chui gầm xe ở phía trước với tốc độ thấp, chắc chắn thân xe sẽ bị móp và túi khí không bung.
Khi xe bị đâm ở phần đuôi, quán tính không làm thân người ngồi bên trong lao về phía trước do đó túi khí không có cơ hội kích hoạt.
Tại sao một số vụ va chạm khiến đầu xe hỏng nặng nhưng túi khí vẫn không bung?
Theo Honda, những bộ phận ở thân xe có thể hấp thụ lực va chạm nên nhiều trường hợp xe hư hỏng nặng túi khí vẫn không bung. Dù mức độ hư hỏng nặng tới đâu nhưng nếu túi khí không cần thiết bung hoặc không phát huy tác dụng thì túi khí vẫn không kích hoạt.
Những điều cần biết về túi khí
Túi khí là thiết bị bảo vệ an toàn nhưng cũng có thể trở thành vũ khí sát thương do nó có tốc độ bung nhanh (300 km/h) và lực nổ rất mạnh. Vì thế để túi khí phát huy tối đa lợi ích, người sử dụng cần thắt dây an toàn mỗi khi ngồi trên xe. Hành khách ngồi ghế trước nên đẩy ghế cách xa bảng táp lô.
Chú ý, không nên để vật nặng, vật nhọn ở khoảng không gian giữa người và túi khí. Chẳng hạn vừa lái xe, vừa ngậm tẩu thuốc, kẹo mút... Tài xế cần nhớ không gắn thêm bất cứ thứ gì lên nắp túi khí (nơi có dòng chữ SRS Airbag).
Carmudi Vietnam là website hàng đầu trong việc cung cấp thông tin và trao đổi mua bán ô tô đáng tin cậy nhất tại Việt Nam!