Tựa đầu bảo vệ cổ - giải pháp tối ưu khi bất ngờ gặp va chạm từ phía sau
Ở Việt Nam, đã có trường hợp tài xế thoát khỏi chấn thương đốt sống cổ trong vụ tai nạn dừng đèn đỏ. Đó là một tài xế lái Mercedes C200 đời 2010. Theo lời kể thì anh bị một xe container đâm mạnh từ phía sau và may mắn không bị chấn thương nặng. Theo giám đốc một đại lý Mercedes ở Việt Nam, một số dòng xe của hãng như C-class 2008-2013 hay GLK 2009-2015 có trang bị tính năng này.
Trên thực tế công nghệ này không phải mới, ở Mỹ công nghệ này đã xuất từ những năm 1960, thậm chí đây còn là quy định bắt buộc cho các hãng xe khi xe xuất xưởng. Mỗi hãng có tên gọi khác nhau dành cho tựa đầu ghế này. Nếu của Mercedes là Neck-Pro thì của Toyota là WIL (Whiplash Injury Lessening), Volvo và Jaguar là WHIPS (Whiplash Protection System/Whiplash Prevention System); Ford, Hyundai, Nissan, Subaru... gọi chung Active Head Restraint.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có rất nhiều hãng ô tô nghiên cứu phát triển thiết kế tựa đầu ghế này, có thể không dùng cách bật ra khi tai nạn như trước đây, nhưng tựa đầu ghế vẫn đủ độ đàn hồi, êm ái để bảo vệ đầu. Đối với loại tựa đầu mới, tài xế có thể chủ động điều chỉnh ra vào, lên xuống theo 4 hướng nhằm để phù hợp với vị trí đầu của mình.
Các chuyên gia lái xe an toàn khuyên rằng, bất cứ khi nào ngồi trên ô tô thì các tài xế cũng nên thắt dây an toàn, chỉnh tựa đầu ghế cho phù hợp, thoải mái (tốt nhất là đỉnh của tựa đầu ngang với mắt người ngồi). Đặc biệt trong khi xe đang di chuyển, các tài xế cần tránh cúi gập người về phía trước hoặc đổi tư thế sang nằm ngang, nằm nghiêng… vì rất dễ khiến dây an toàn cũng như ghế tựa đầu cùng các thiết bị hỗ trợ an toàn khác không phát huy được tốt tác dụng của mình.