Tư vấn về việc xử lý vi phạm giao thông gây ra tai nạn

Bài viết này sẽ giải đáp những thắc mắc của bạn về vấn đề quyền và nghĩa vụ của cảnh sát giao thông cũng như luật xử lý các vi phạm giao thông.

1. Hỏi về quyền và nghĩa vụ của cảnh sát giao thông?

Xin chào luật sư, cảnh sát giao thông (CSGT) cải trang và "lập chốt" gần hệ thống điện hạ thế để bắn tốc độ người vi phạm giao thông có đúng quy định của pháp luật hay không? Nếu không thì việc phát hiện và xử phạt người vi phạm của CSGT trong trường hợp có hiệu lực hay không?

Mong sớm nhận được tư vấn của luật sư. Em xin cảm ơn ạ!

Trả lời:

Dựa theo Điều 9 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông do Bộ trưởng Bộ Công An ban hành có quy định về Tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang:

"- Các trường hợp tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang:

+ Hóa trang sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;

+ Đấu tranh phòng, chống tội phạm; khi tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, an toàn giao thông phức tạp.

- Thẩm quyền quyết định tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang:

+ Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;

+ Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an cấp huyện quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang đối với trường hợp hóa trang sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

- Điều kiện tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang:

+ Phải có kế hoạch tuần tra, kiểm soát được người có thẩm quyền phê duyệt. Nội dung kế hoạch phải nêu rõ phương pháp thực hiện, lực lượng, phương thức liên lạc, thời gian, địa bàn tuần tra, kiểm soát; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để tuần tra, kiểm soát;

+ Tổ tuần tra, kiểm soát phải bố trí một bộ phận cán bộ trong Tổ để hóa trang (mặc thường phục) thực hiện nhiệm vụ giám sát tình hình trật tự giao thông, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật;

+ Bộ phận hóa trang và bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai trong một Tổ tuần tra, kiểm soát phải giữ một khoảng cách thích hợp bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật;

+ Nghiêm cấm lạm dụng việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang để sách nhiễu, gây phiền hà, làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức."

Theo đó, với trường hợp của bạn, việc cảnh sát giao thông cải trang để bắn tốc độ nhằm để phát hiện và xử lý triệt để các trường hợp vi phạm giao thông là hoàn toàn đúng theo pháp luật.

Đồng thời, theo Điều 12 Thông tư 01/2016/TT-BCA, cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện để kiểm tra trong các trường hợp:

"- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;

- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên;

- Thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên;

- Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;

- Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông."

Căn cứ theo quy định trên, cảnh sát hóa trang có nhiệm vụ giám sát tình hình trật tự giao thông; phát hiện, đấu tranh ngăn chặn hành vi vi phạm. Vì vậy, cảnh sát giao thông hóa trang vẫn có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính các trường hợp cụ thể theo Điều 74 nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nếu hành vi vi phạm không nằm trong thẩm quyền xử phạt của mình, cảnh sát giao thông hóa trang phải thông báo cho cảnh sát thuộc bộ phận khác có thẩm quyền xử lý theo quy định.

2. Mức phạt khi to tiếng với cảnh sát giao thông?

Thưa luật sư, anh tôi điều khiển ô tô vi phạm Luật Giao thông. Khi bị cảnh sát giao thông phát hiện và dừng xe, anh trai tôi có to tiếng cãi nhau với cảnh sát. Xin hỏi luật sư trường hợp này có thể bị truy tố tội chống đối người thi hành công vụ không?

Cảm ơn luật sư.

Trả lời:

2.1 Quy định về tội chống người thi hành công vụ

Theo điều 330, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017:

"Điều 330. Tội chống người thi hành công vụ

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;

đ) Tái phạm nguy hiểm."

2.2. Dấu hiệu của "chống người thi hành công vụ":

Để kết vào tội chống người thi hành công vụ, trường hợp phải đáp ứng đầy đủ các dấu hiệu vi phạm sau đây:

– Mặt khách quan:

+ Dùng vũ lực tấn công người thi hành công vụ (người phạm tội dùng sức mạnh vật chất tác động lên thân thể người đang thi hành công vụ như đấm, đá, đánh…)

+ Đe dọa dùng vũ lực đối vối người thi hành công vụ (người phạm tội có phát ngôn có tính răn đe hoặc cử chỉ cho thấy sẽ sử dụng vũ lực để uy hiếp tinh thần người thi hành công vụ như dọa đánh, chém…).

+ Dùng các thủ đoạn khác để uy hiếp người thi hành công vụ (như doạ cách chức, cho nghỉ việc...).

+ Cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ khiến họ không thể thực hiện được hoặc rất khó khăn trong việc thực hiện công vụ được giao.

– Khách thể tội chống người thi hành công vụ:

Hành vi xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan quản lý Nhà nước, của cán bộ, công chức và những người được giao nhiệm vụ, công vụ.

– Mặt chủ quan tội chống người thi hành công vụ:

Người phạm tội cố ý thực hiện hành vi phạm tội này.

– Chủ thể tội chống người thi hành công vụ:

Bất kỳ cá nhân nào có đủ khả năng lực trách nhiệm hình sự.

2.3. Xử phạt đối với hành vi chống người thi hành công vụ được quy định trong Điều 330 Bộ luật hình sự 2015, đã được trích dẫn trong mục 2.1 ở trên.

2.4  Mức xử lý hành vi cãi nhau, to tiếng với cảnh sát giao thông

- Căn cứ theo những thông tin bạn đưa ra, sự việc chỉ dừng lại ở cãi nhau, to tiếng chứ không có những hành vi được nêu trong mục 2.2 nên trường hợp này không đủ yếu tố cấu thành tội chống người thì hành công vụ.

- Tuy nhiên, nếu trong khi to tiếng cãi nhau, anh của bạn có hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp người thi hành công vụ (như dọa cho nghỉ việc...) để người cảnh sát giao thông thực hiện hành vi trái pháp luật thì sẽ cấu thành tội chống người thi hành công vụ.

3. Tư vấn luật xử lý vi phạm giao thông?

Xin chào luật sư. Bố cháu lái xe tải 1,25 tấn có bằng C và đầy đủ các giấy tờ khác liên quan. Hôm qua, đang trên đường chở hàng (đường 1 làn), bố cháu đã gây tai nạn giao thông. Lúc ấy, 1 chiếc xe máy cùng làn với bố cháu đi ngược chiều bên trái va quẹt vào chiếc xe máy khác đi bên phải cùng làn đường. Chiếc xe đi ngược chiều đã văng vào gầm xe của bố khiến người lái bị bánh xe sau cán qua gây tử vong (theo giám định của pháp y). Bố cháu dừng lại quan sát gương phía sau khi nghe thấy 1 tiếng động mạnh. Thấy có 2 người nằm và 2 xe máy bị ngã nên bố cháu nghĩ rằng 2 xe máy va chạm và tiếp tục đi chở hàng. Bố cháu vẫn đi làm bình thường, không hề chạy trốn và chỉ biết đến vụ việc khi công an gọi điện báo.

Hiện tại công an đã giữ xe và lấy lời khai của bố cháu nhưng các chú công an không tin, cho rằng bố cháu gây tai nạn rồi lái xe bỏ chạy. Bố cháu thấy tại nạn không dừng lại giúp đỡ là sai nhưng thật tình bố cháu không hề có ý nghĩ bỏ trốn đâu ạ. Cháu muốn được tư vấn về mức xử lí vi phạm của bố cháu và mức bồi thường cho gia đình nạn nhân. Bố cháu có bị truy cứu trách nhiệm hình sự ngay cả khi gia đình cháu bồi đã thường thiệt hại cho nạn nhân không ạ?

Cháu chân thành cảm ơn.

Trả lời:

Chúng tôi xin giải đáp về vấn đề của bạn như sau:

- Thứ nhất, bố bạn vừa vi phạm pháp luật hình sự, vừa vi phạm về pháp luật dân sự trong trường hợp này. Về hình sự, nếu như bố bạn có những dấu hiệu vi phạm pháp luật khi công an điều tra, rất có thể trường hợp của bố bạn sẽ bị kết vào “Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” (Điều 260 Bộ luật hình sự 2015). Về dân sự, bố bạn đã vi phạm các quy định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, việc bồi thường ở đây sẽ bằng tiền mặt.  

- Thứ hai, về câu hỏi nếu gia đình bạn đã bồi thường cho nạn nhân thì bố bạn có bị truy cứu trách nhiệm nữa không, bạn cần hiểu được những điều sau:

Theo điều 260 Bộ luật hình sự 2015 về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ:

"1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

...

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;"

Như vậy, để xử lý vi phạm này, trước tiên cơ quan điều tra phải điều tra hiện trường để xác định lỗi thuộc về bên nào. Không phải tất cả trường hợp lái xe gây chết người thì người lái xe đều bị xử lý hình sự mà còn tuỳ thuộc vào kết quả điều tra rằng người lái xe có lỗi, có vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ hay không.

Nếu bố bạn là người có lỗi thì mới bị xử lý về tội “vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ”. Còn nếu sau khi điều tra, công an xác định người có lỗi gây tai nạn là người bị thiệt hại thì hành vi của bố bạn không cấu thành tội vi phạm luật giao thông.

Ngược lại, trường hợp công an xác định hành vi của bố bạn cấu thành tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, dù gia đình bạn đã bồi thường thiệt hại hay gia đình nạn nhân không khởi kiện thì cơ quan điều tra vẫn khởi tố bố bạn (theo Bộ luật tố tụng hình sự, tội vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ không phải là tội phạm chỉ được khởi tố theo yêu cầu bị hại). Hơn nữa, bố bạn vẫn phải gánh chịu những gì đã gây ra về mặt hình sự vì việc bồi thường kia chỉ là thực hiện nghĩa vụ dân sự.

- Thứ ba, mức bồi thường gia đình bạn phải chịu căn cứ vào thiệt hại gây ra, trường hợp này là tính mạng bị xâm phạm.

Theo Điều 610 Bộ luật dân sự 2015:

"2. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

2.1. Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết bao gồm: các chi phí được hướng dẫn tại các tiểu mục 1.1, 1.4 và thu nhập thực tế bị mất của người bị thiệt hại trong thời gian điều trị được hướng dẫn tại tiểu mục 1.2 mục 1 Phần II này.

2.2. Chi phí hợp lý cho việc mai táng bao gồm: các khoản tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo thông lệ chung. Không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ...

2.3. Khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi chết.

a) Chỉ xem xét khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, nếu trước khi tính mạng bị xâm phạm người bị thiệt hại thực tế đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Những người đang được người bị thiệt hại cấp dưỡng được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng tương ứng đó. Đối với những người mà người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng nhưng sau khi người bị thiệt hại bị xâm phạm tính mạng, thì những người này được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng hợp lý phù hợp với thu nhập và khả năng thực tế của người phải bồi thường, nhu cầu thiết yếu của người được bồi thường.

Thời điểm cấp dưỡng được xác định kể từ thời điểm tính mạng bị xâm phạm.

b) Đối tượng được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng.

- Vợ hoặc chồng không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và được chồng hoặc vợ là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng;

- Con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà cha, mẹ là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng;

- Cha, mẹ là người không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà con là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;

- Vợ hoặc chồng sau khi ly hôn đang được bên kia (chồng hoặc vợ trước khi ly hôn) là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;

- Con chưa thành niên hoặc con đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi dưỡng là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;

- Em chưa thành niên không có tài sản để tự nuôi mình hoặc em đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có khả năng lao động không có tài sản để cấp dưỡng cho con được anh, chị đã thành niên không sống chung với em là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;

- Anh, chị không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà em đã thành niên không sống chung với anh, chị là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;

- Cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không còn người khác cấp dưỡng mà ông bà nội, ông bà ngoại không sống chung với cháu là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;

- Ông bà nội, ông bà ngoại không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người khác cấp dưỡng mà cháu đã thành niên không sống chung với ông bà nội, ông bà ngoại là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

2.4. Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm.

a) Người được nhận khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần trong trường hợp này là những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người bị thiệt hại.

b) Trường hợp không có những người được hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 2.4 mục 2 này, thì người được nhận khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần là người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng và người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại.

c) Trong mọi trường hợp, khi tính mạng bị xâm phạm, những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất hoặc người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng và người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại (sau đây gọi chung là người thân thích) của người bị thiệt hại được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Cần căn cứ vào hướng dẫn tại điểm b tiểu mục 1.1 mục 1 Phần I Nghị quyết này để xác định mức độ tổn thất về tinh thần của những người thân thích của người bị thiệt hại. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào địa vị của người bị thiệt hại trong gia đình, mối quan hệ trong cuộc sống giữa người bị thiệt hại và những người thân thích của người bị thiệt hại...

d) Mức bồi thường chung khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần trước hết do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho tất cả những người thân thích của người bị thiệt hại phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, số lượng người thân thích của họ, nhưng tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường."

4. Gây tai nạn giao thông liên hoàn có bị phạt tù không?

Thưa luật sư, thời gian vừa qua tôi có theo dõi vụ việc nữ doanh nhân đi xe BMW gây tai nạn giao thông liên hoàn thảm khốc ở khu vực ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh khiến một người chết và nhiều người bị thương nặng. 

Xin hỏi pháp luật xử lý hành vi gây tai nạn giao thông do dùng nhiều bia rượu này như thế nào? Nữ doanh nhân này sẽ bị khởi tố tội gì? Mức án dành cho trường hợp này sẽ là bao nhiêu năm tù?

Mong luật sư tư vấn cho tôi. Cám ơn luật sư.

Trả lời:

- Thứ nhất, về vụ tai nạn

Gần đây, hàng loạt các trang báo đưa tin về nữ doanh nhân điều khiển xe BMW gây ra tai nạn tại khu vực Hàng Xanh (thuộc quận Bình Thạnh). Một trong số đó có thông tin cụ thể về như sau:

“Hôm 21/10 vừa qua, bà Nga cầm lái xe BMW mang BKS 51F - 270.10, chạy trên đường Điện Biên Phủ, hướng từ Q.1 về Q.2 với tốc độ cao.

Khi vừa đến ngã tư cầu vượt Hàng Xanh (thuộc quận Bình Thạnh), phương tiện này đã tông hàng loạt xe máy đang dừng chờ đèn đỏ. Chưa dừng lại, xe BMW lao đến tông tiếp vào một taxi chạy cùng chiều.

Vụ tai nạn khiến 1 phụ nữ tử vong tại chỗ, nhiều người khác bị thương được đưa đi cấp cứu.

Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, cơ quan công an đã tạm giữ bà Nguyễn Thị Nga là người lái xe BMW để phục vụ công tác điều tra. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn của bà Nga lên tới 0,94mg/lít khí thở.

Tại cơ quan công an, bà Nga cho rằng nguyên nhân do dây quai hậu của chiếc giày cao gót móc vào chân ga khiến bà luống cuống đạp nhầm làm chiếc xe vọt lên gây tai nạn.

Dù vậy, căn cứ vào kết quả đo nồng độ cồn vượt rất cao, cùng hậu quả nghiêm trọng của vụ tai nạn... nên cơ quan công an đã ra quyết định khởi tố, bắt giam bà Nga, căn cứ theo quy định của pháp luật.” (theo Vietnamnet)

- Thứ hai, trả lời cho câu hỏi nữ doanh nhân này sẽ bị khởi tố vì tội gì

Theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ sửa đổi 2017:

"1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Làm chết 02 người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm."

Trường hợp của nữ doanh nhân là điều khiển xe ô tô khi tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu bia, gây ra thiệt hại nặng nề làm một người chết và rất nhiều người khác bị thương phải đưa đi cấp cứu.

Như vậy, theo Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017, trường hợp này đã đủ yếu tố để cấu thành tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Cụ thể, hành vi của nữ doanh nhân chạm vào Điểm b Khoản 2 của cùng bộ luật với khung hình phạt là phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Chúc các bạn lái xe an toàn!

Carmudi Vietnam là website hàng đầu trong việc cung cấp thông tin và trao đổi mua bán ô tô đáng tin cậy nhất tại Việt Nam!

back
Carmudi Vietnam
VinFast VF7 2024

VinFast VF7 2024

0 km

850 triệu

Mercedes-Benz E300 AMG V1 2024

Mercedes-Benz E300 AMG V1 2024

0 km

2 tỷ 999 triệu

Audi Q3 2024

Audi Q3 2024

0 km

1 tỷ 890 triệu

Ford Ranger Raptor 2024

Ford Ranger Raptor 2024

0 km

1 tỷ 299 triệu

MG 5 LUX 2024

MG 5 LUX 2024

0 km

425 triệu

Đánh giá:
5/5 (10 đánh giá)
Chia sẻ
Tôi cần bán xe cũ