Tổng hợp ưu nhược điểm của các loại la-zăng xe ô tô hiện nay
Không chỉ có vậy, khi nhu cầu của người dùng tăng cao, la-zăng còn là chi tiết trang trí, tạo điểm nhấn về thẩm mỹ cho ngoại thất xe cũng như thể hiện cá tính của chủ xe. Vậy hiện nay có những loại la-zăng xe ô tô nào? Đây cũng là nỗi băn khoăn của nhiều khách hàng khi lựa chọn sản phẩm.
Dựa theo vật liệu cấu thành, chúng ta có 4 loại sau đây:
- La-zăng xe ô tô làm từ sắt
- La-zăng xe ô tô làm từ hợp kim nhôm
- La-zăng xe ô tô làm từ hợp kim magie
- La-zăng xe ô tô làm từ sợi carbon
Hiện nay trên thị trường, các loại la-zăng xe chủ yếu làm từ sắt và hợp kim nhôm. Bên cạnh đó, mâm xe hợp kim magie và sợi carbon ít phổ biến hơn do chi phí sản xuất cao.
La-zăng xe ô tô làm từ sắt
Trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô thế giới, có thể nói đây là loại vành xe được sản xuất sớm nhất. Với những ưu điểm như rẻ, bền, chịu tải, chịu nhiệt tốt và dễ chế tạo, vành sắt hiện được trang bị nhiều trên các mẫu xe giá rẻ, xe tải, xe khách hoặc xe chuyên dụng.
Tuy nhiên, vành sắt cũng tồn tại những mặt hạn chế như kiểu dáng đơn giản, tính thẩm mỹ thấp, dễ gỉ sét hay khối lượng nặng. Chính vì thế, mâm sắt này không còn xuất hiện nhiều trên các mẫu xe gia đình, xe dân dụng đời mới và đặc biệt là xe hạng sang.
La-zăng xe ô tô làm từ hợp kim nhôm
Đối với mâm xe hợp kim nhôm, nó được đánh giá là loại tối ưu nhất xét trên phương diện chi phí sản xuất, độ cứng và khối lượng. Nhờ đó, vành hợp kim nhôm ngày càng phổ biến hơn. Loại vành này thường được làm từ hợp kim của nhôm với magie, mangan, đồng hoặc thiếc, tùy theo yêu cầu về tính chất vật lý của sản phẩm.
Ngoài việc sở hữu tỉ số độ cứng/khối lượng tốt, vành hợp kim nhôm còn có tính thẩm mỹ cao, đa dạng về mặt kiểu dáng và không gặp hiện tượng gỉ sét như vành mâm sắt. Chỉ cần lưu ý chính là vành hợp kim nhôm dễ bị biến dạng và có nhiệt độ nóng chảy thấp hơn vành sắt, khoảng từ 450-700 độ C.
Tùy theo biến động thị trường, vành hợp kim nhôm sẽ được sản xuất bằng các phương pháp khác nhau. Giá rẻ và phổ biến nhất là các loại vành đúc từ nhiều mảnh, trang bị trên các mẫu ôtô phổ thông. Cao cấp hơn có vành đúc hoặc phay CNC từ hợp kim nhôm nguyên khối. Các loại vành này có tính chất vật lý đồng nhất ở mọi chi tiết, khối lượng nhẹ, chịu lực và chịu nhiệt tốt hơn. Và do chi phí sản xuất cao nên thường chỉ được trang bị trên xe sang, xe thể thao hoặc xe độ với các trang bị đắt tiền.
La-zăng xe ô tô làm từ hợp kim magie
Điểm mạnh của la-zăng hợp kim magie là có độ cứng cao hơn, tản nhiệt tốt hơn trong khi khối lượng nhẹ hơn đáng kể vành hợp kim nhôm. Mặt hạn chế của nó là công đoạn gia công và bảo quản phức tạp, đi kèm chi phí sản xuất cao và khả năng chịu nhiệt kém hơn hợp kim nhôm. Ngoài ra, dù khó biến dạng nhưng khi đã biến dạng thì la-zăng hợp kim magie sẽ không thể nắn lại được.
Do đó, la-zăng hợp kim magie thường được trang bị cho các mẫu xe đua để tối ưu hóa khả năng vận hành. Người dùng xe dân dụng vẫn có thể thay la-zăng hợp kim magie, tuy nhiên chúng thường có giá thành rất cao.
La-zăng xe ô tô làm từ sợi carbon
Loại la-zăng thường có giá thành cao nhất và hiệu quả khí động học tốt nhất nhờ nhẹ và độ cứng cao. Vượt trội hơn hẳn các loại khác, la-zăng carbon giúp giảm đáng kể khối lượng không được nâng đỡ của hệ thống treo (unsprung weight), bao gồm các bộ phận như lốp, phanh, giảm xóc, cầu xe, bạc đạn và trục láp. Nhờ đó, các bộ phận kể trên sẽ ít dao động hơn khi xe chạy, tăng độ bám đường, ổn định và ít rung lắc hơn.
Chúng ta cũng không thể phủ nhận những nhược điểm của loại la-zăng xe này. Không chỉ giá thành cao, la-zăng carbon cũng không thể sửa chữa và uốn lại khi đã biến dạng. Nếu vành bị hư hỏng, người dùng chỉ có thể thay mới. Do vậy, vành carbon thường chỉ được trang bị trên các mẫu xe sang, xe hiệu năng cao hoặc xe đua.
Theo Oto-Hui
Carmudi Vietnam là website hàng đầu trong việc cung cấp thông tin và trao đổi mua bán ô tô đáng tin cậy nhất tại Việt Nam!