So sánh Ford Ranger và Mazda BT-50: Lựa chọn nào khi mua xe bán tải?
Thông tin chung
Khi nhắc đến thị trường xe bán tải tại Việt Nam, chắc chắn không thể không nhắc đến cái tên "đình đám" Ranger. Mẫu xe của Ford chính là một trong những mẫu bán tải đầu tiên đặt chân đến dải đất hình chữ S (vào khoảng những năm đầu thế kỉ 21). Với thiết kế hầm hố, mạnh mẽ đậm chất Mỹ, Ranger không mất nhiều thời gian để chinh phục khách hàng Việt và trở thành "ông vua" trong phân khúc với doanh số bán vượt trội so với các đối thủ.
Những năm gần đây, dù phân khúc xe bán tải tại thị trường Việt đang "nở rộ" với sự xuất hiện của hàng loạt mẫu xe mới, nhưng điều đó chẳng mấy ảnh hưởng đến vị thế của Ranger.
Mẫu xe "con cưng" của Ford vẫn "một mình một ngựa" băng băng trong cuộc đua thị phần và liên tục tự phá kỷ lục doanh số của chính mình. Với phiên bản mới nhất ra mắt thị trường Việt hồi tháng 8/2015, Ranger đang ngày càng khẳng định sự thống trị khi mang đến cho khách hàng phiên bản mới với hàng loạt sự thay đổi trong cả thiết kế và vận hành.
Trong khi đó, Mazda BT-50 chỉ mới xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ năm 2012. Mặc dù "sinh sau đẻ muộn" những mẫu bán tải nhà Mazda cũng đã nhanh chóng để lại dấu ấn với gần 4.000 xe được giao đến khách hàng chỉ sau 2 năm (tính đến 10/2014), chiếm khoảng 25% thị phần phân khúc xe bán tải.
Sự tăng trưởng ngoạn mục về doanh số giúp Mazda BT-50 trở thành mẫu xe pick-up thương hiệu Nhật bán chạy số 1 tại Việt Nam, vượt qua chính đối thủ Toyota Hilux. Tiếp đà cho thành công đó, Mazda đã tung phiên bản nâng cấp 2016 của BT-50 vào thị trường Việt hồi tháng 8/2015 với nhiều những cải tiến mạnh mẽ, sẵn sàng hướng đến cuộc đua thị phần đang ngày càng khốc liệt.
Trong bài viết này, để tương thích về khả năng vận hành cùng những trang bị tiện ích, Otos sẽ chọn phiên bản Ranger 3.2L 2015 AT và phiên bản BT-50 3.2 2016 AT để so sánh, qua đó giúp bạn đọc có cái nhìn chi tiết hơn trước khi đưa ra quyết định nên mua Mazda BT-50 hay Ford Ranger.
Giá bán
So về giá bán, Mazda BT-50 đang là cái tên nắm được lợi thế khi sở hữu mức giá thấp hơn đối thủ đến 90 triệu đồng.
So sánh Ford Ranger và Mazda BT-50 | |
Ford Ranger 3.2L 2015 AT | Mazda BT-50 3.2L 2016 AT |
879 triệu đồng | 789 triệu đồng |
Kiểu dáng, kích thước
Dù có xuất xứ từ hai thương hiệu hoàn toàn khác nhau, nhưng Ford Ranger và Mazda BT-50 lại có một điểm chung khá thú vị ở hệ thống khung gầm. Chính vì vậy, sự khác biệt giữa hai mẫu xe này không đến từ kiểu dáng tổng thể mà nằm ở những chi tiết thiết kế.
Ford Ranger thế hệ mới sở hữu diện mạo mạnh mẽ và cuốn hút với lưới tản nhiệt hình thang được tạo nên bởi các thanh ngang bản to mạ cờ-rôm sáng bóng, đèn pha gọn gàng nhưng sắc nét, phần cản trước có thiết kế mở rộng liên kết với lưới tản nhiệt tạo nên sự liền mạch chứ không còn phân chia phần đầu xe như vẫn thấy trên phiên bản cũ. Ford Ranger 2015 tạo ấn tượng với bộ mâm đúc bằng vật liệu hợp kim nhôm kích thước 18 inch.
Trong khi đó, Mazda BT-50 cũng mang thiết kế thể thao, hầm hố chẳng hề thua kém. Phần đầu xe với lưới tản nhiệt mạ crôm với một thang ngang bản lớn tích hợp logo Mazda, nắp ca-pô được tạo dáng với hai đường gân nổi tôn lên sự mạnh mẽ, cứng cáp, cụm đèn pha cũng được trau chuốt lại theo hình chiếc lá trông sắc nét hơn.
Ford Ranger 3.2L 2015 AT | Thông số | Mazda BT-50 3.2 2016 AT |
5.362 x 1.860 x 1.848mm | Kích thước tổng thể | 5.365 x 1.850 x 1.821mm |
3.220mm | Chiều dài cơ sở | 3.220mm |
1.450 x 1.560 x 530mm | Kích thước thùng xe | 1.549 x 1.560 x 513mm |
200mm | Khoảng sáng gầm xe | 237mm |
6.35m | Bán kính vòng quay | 6.2m |
80 lít | Dung tích bình nhiên liệu | 80 lít |
265/60R18 | Kích thước lốp | 265/65R17 |
Ngoài ra, Mazda BT-50 còn có thêm một điểm cộng so với Ranger với khoảng sáng gầm xe ấn tương hơn khi được nâng cao thêm 37mm chính từ hệ thống khung gầm vay mượn từ Ranger.
Nội thất, trang bị tiện nghi
Bên cạnh thiết kế ngoại thất, những trang bị bên trong xe cũng là tiêu chí giúp khách hàng đưa ra quyết định nên mua Mazda BT-50 hay Ford Ranger.
Dù là những mẫu xe bán tải, tuy nhiên cả Ford Ranger và Mazda BT-50 đều sở hữu khoang ca-bin với khá nhiều tiện ích, bao gồm vô-lăng thể thao tích hợp các nút điều chỉnh hệ thống âm thanh, điện thoại rảnh tay, đầu CD kết nối Bluetooth cùng dàn âm thanh 6 loa.
Tuy nhiên, vô-lăng trên Ranger cũng được thiết kế ấn tượng hơn với 4 chấu cách điệu so với 3 chấu của đối thủ, nhưng bù lại, ghế ngồi trên BT-50 lại sang trọng hơn với chất liệu da trong khi đối thủ chỉ bọc da pha nỉ.
So sánh Ford Ranger và Mazda BT-50 về thiết kế, trang bị nội thất | ||
Ford Ranger 3.2L 2015 AT | Thông số | Mazda BT-50 2016 3.2 AT 4WD |
Ghế ngồi chất liệu da pha nỉ, điều chỉnh độ nghiêng và độ cao tựa đầu | Ghế ngồi | Ghế bọc da, chỉnh tay |
Thiết kế thể thao 4 chấu bọc da, tích hợp các nút điều chỉnh âm thanh | Vô-lăng | 3 chấu bọc da, tích hợp các nút bấm điều khiển âm thanh. |
Hệ thống giải trí với 1 đầu CD kết nối âm thanh và điều khiển bằng giọng nói, Bluetooth, cổng AUX, MP3, Ipod, USB | Hệ thống giải trí | Màn hỉnh hiển thị đa thông tin, đầu CD kết nối MP3, Radio, AUX, USB, Ipod cùng hệ thống đàm thoại rảnh tay Bluetooth |
6 loa | Dàn âm thanh | 6 loa |
Tự động | Hệ thống điều hòa | Tự động 2 vùng độc lập |
Động cơ, khả năng vận hành
Xét về sức mạnh, Ranger và BT-50 tỏ ra khá tương đồng khi đều sử dụng động cơ dung tích 3.2 lít tăng áp cho mô-men xoắn cực đại ở mức 470 Nm. Mặc dù Ranger nhỉnh hơn đối thủ 3 mã lực trong công suất vận hành, tuy nhiên điều này là không đáng kể.
Ford Ranger 3.2L 2015 AT | Thông số | Mazda BT-50 3.2 AT 4WD |
Turbo Diesel 3.2L I5 TDCi | Động cơ | Turbo Diesel 3.2L DOHC, 5 xi-lanh |
200 mã lực tại 3.000 vòng/phút | Công suất cực đại | 197 mã lực tại 3.000vòng/phút |
470Nm tại 1.750 - 2.500 vòng/phút | Mô-men xoắn | 470 Nm tại 1.750 - 2.500 vòng/phút |
Tự động 6 cấp | Hộp số | Tự động 6 cấp |
Đĩa tản nhiệt/Tang trống | Hệ thống phanh | Đĩa/ Tang trống |
Trang bị an toàn
Đạt chuẩn 5 sao trong Chương trình Đánh giá Xe mới (NCAP) nên chẳng có gì ngạc nhiên khi Ranger sở hữu hàng loạt trang bị an toàn. Một số công nghệ nổi bật, bao gồm: hệ thống chống bó cứng phanh tự động, hệ thống phân phối lực phanh điện tử, hệ thống cân bằng điện tử, hệ thống cảnh báo sai làn đường và hỗ trợ duy trì làn chạy, hệ thống kiểm soát hành trình chủ động, hệ thống cảnh báo va chạm trước, hệ thống cân bằng điện tử, công nghệ cảnh báo người lái sử dụng camera trước và cảm biến trên xe để phát hiện tình trạng buồn ngủ và mất kiểm soát của người lái và 4 túi khí.
Trong khi đó, Mazda BT-50 cũng không kém cạnh với hệ thống chống bó cứng phanh tự động, hệ thống phân phối lực phanh điện tử, hệ thống cân bằng điện tử, hệ thống kiểm soát lực kéo chống trượt, hệ thống kiểm soát chống lật, hệ thống kiểm soát trọng tải, hỗ trợ khởi hàng ngang dốc, hỗ trợ xuống dốc, cảm biến lùi, hệ thống ga tự động, hệ thống hỗ trợ xuống dốc và 4 túi khí.
Kết luận
Không phải ngẫu nhiên mà Ford Ranger và Mazda BT-50 đang là hai cái tên bán chạy bậc nhất thị trường xe bán tải Việt ở thời điểm hiện tại. Bởi lẽ, cả hai đều là những mẫu xe sở hữu khả năng vận hành mạnh mẽ cùng hàng loạt trang bị tiện ích, xứng đáng là sự lựa chọn tốt trong phân khúc xe bán tải.
Dù rất khó để đưa ra quyết định nên mua Mazda BT-50 hay Ford Ranger, tuy nhiên nhiên, tùy theo thị hiếu cũng như nhu cầu và túi tiền, từng khách hàng sẽ có những nhận định và lựa chọn khác nhau, nhưng nhìn chung, với những khách hàng yêu thích một mẫu xe mạnh mẽ, tiện dụng thì "ông vua bán tải" Ranger chính là sự lựa chọn hợp lí.
Ngược lại, với những khách hàng đang tìm kiếm cho mình một chiếc xe bán tải vừa mạnh mẽ trong vận hành, đáp ứng được tiện nghi nhưng phù hợp với hầu bao không quá rủng rỉnh thì Mazda BT-50 chính là cái tên "đáng đồng tiền bát gạo".