Quy định về mức xử phạt đối với việc xe kinh doanh không đổi sang biển vàng
Mức xử phạt
Theo giải thích từ phía Bộ Công an, quy định đổi biển số xe ô tô kinh doanh vận tải sang màu vàng nhằm tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, đặc biệt là taxi công nghệ và taxi truyền thống.
Không chỉ thế, quy định này còn giúp khắc phục được tình trạng “xe dù, bến cóc” trốn thuế, phí gây mất trật tự giao thông đô thị…
Thế nhưng, trên thực tế, các thủ tục và giấy tờ liên quan đến việc đổi màu biển số xe tốn rất nhiều thời gian và chi phí của doanh nghiệp, chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp còn ngần ngại trong việc thực hiện thủ tục này.
Tại điểm đ khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định rõ về việc không thực hiện đúng quy định về biển số. Cụ thể, phạt tiền từ 02 - 04 triệu đồng đối với cá nhân, từ 04 - 08 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô không thực hiện đúng quy định về biển số.
Theo đó, đến hết ngày 31/12/2021, nếu các xe kinh doanh vận tải không tiến hành đổi sang biển số màu vàng sẽ bị phạt đến 08 triệu đồng.
Thủ tục đổi sang biển số màu vàng cho ô tô kinh doanh vận tải
Bước 1: Chuẩn bị giấy tờ
Người đi đổi biển vàng cho ô tô cần chuẩn bị giấy tờ sau:
- Tờ khai đăng ký xe;
- Giấy chứng nhận đăng ký xe (trường hợp đổi giấy chứng nhận đăng ký xe);
- Biển số xe;
- Xuất trình giấy tờ của chủ xe (như Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Sổ hộ khẩu/Hộ chiếu...).
Bước 2: Nộp hồ sơ
Hồ sơ được nộp tại Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Phòng CSGT đường bộ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bước 3: Nhận kết quả
Sau khi tiếp nhận đầy đủ giấy tờ, cán bộ Công an có trách nhiệm tiến hành đổi biển số xe cho người dân.
Thời hạn cấp đổi biển số xe: Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký xe hợp lệ.
Theo Điều 5 Thông tư 229/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức phí cấp đổi giấy đăng ký kèm theo biển số:
- Đối với ô tô là 150.000 đồng;
- Đối với xe rơ-mooc, sơ-mi rơ-mooc đăng ký rời là 100.000 đồng.