Xe Indo chiếm thị trường, Campuchia làm ô tô điện: Việt Nam chờ đợi gì?
Thế nhưng, để có công nghiệp ô tô thì không thể chỉ dừng lại ở những lời hô hào suông mà phải có những chính sách quyết liệt và cụ thể.
“Cống tiền” cho Thái, Indonesia và sắp tới là… Campuchia?
Tổng cục Hải quan cho biết, lượng ô tô dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu trong 6 tháng qua đạt 26,6 nghìn chiếc, trị giá 449 triệu USD, tăng tới 30,1% về lượng và 13,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, Indonesia bất ngờ vươn lên trở thành thị trường cung cấp xe con chủ yếu cho Việt Nam, soán ngôi vị giữ nhiều năm nay của Thái Lan. Trong 6 tháng qua, Việt Nam đã nhập về 8,9 nghìn chiếc ô tô từ Indonesia với trị giá 171 triệu USD, tăng 66 lần về lượng và 103 lần về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Mức giá trung bình xe Indonesia nhập về (chưa bao gồm thuế) ở mức khoảng 400 triệu đồng/chiếc. Đứng thứ 2 với 6,6 nghìn chiếc là Thái Lan. Lượng xe ô tô Thái Lan nhập về Việt Nam đã tăng 84,1% về lượng, mức giá khai báo bình quân đạt 15,8 nghìn USD/chiếc (khoảng 360 triệu đồng). Lượng xe ô tô Indonesia, Thái Lan nhập về tăng đột biến chủ yếu do thuế nhập khẩu giảm từ 40% về 30%. Như vậy, không đợi thuế về 0% vào năm 2018, lượng ô tô nhập đã tăng đột biến. Không nghi ngờ gì nữa, tới năm 2018, Việt Nam chắc chắn sẽ trở thành bãi tiêu thụ của ô tô nhập. Và người Việt Nam sẽ phải mất tiền cho người Thái, Indonesia, Ấn Độ… nếu không có động thái tự chủ về công nghiệp ô tô. Lượng xe ô tô Indonesia, Thái Lan nhập về tăng đột biến chủ yếu do thuế nhập khẩu giảm từ 40% về 30%. Bộ Công Thương nhận định “Đây là xu hướng không có lợi cho sự phát triển lâu dài của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và Việt Nam sẽ trở thành thị trường để các quốc gia khác có nền công nghiệp ô tô phát triển hơn như Thái Lan, Indonesia khai thác”. Thậm chí, thông tin Campuchia sản xuất thành công xe điện Angkor có giá chưa tới 10.000 USD đang khiến nhiều người lo lắng sẽ “đánh chiếm” thị phần xe giá rẻ Việt Nam. Việt Nam sẽ mất ngay 100.000 việc làm và 2% GDP Với thị trường gần 100 triệu dân, kinh tế đang tăng trưởng, nếu không sản xuất được ôtô trong nước thì ngay tới đây cả nước sẽ nhập siêu ô tô, ảnh hưởng trực tiếp đến trên 100.000 việc làm trực tiếp, khoảng 1 tỷ USD tiền thuế và khoảng 2% GDP. Áp lực nhập siêu của nền kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng gia tăng, gây mất cân đối cán cân thanh toán và bất ổn kinh tế vĩ mô. Hậu quả nhãn tiền đã xảy ra là ngay lập tức, các tỉnh có sản xuất lắp ráp ô tô đã sụt giảm ngân sách hàng tỷ đồng. Quảng Nam hụt thu gần 3000 tỷ đông thuế từ Thaco. Vĩnh Phúc 6 tháng đầu năm mới thu được 38% thuế do Toyota Việt Nam và Honda Việt Nam chuyển từ lắp ráp ô tô sang nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan. Bộ Công Thương dự báo nhu cầu ô tô tại Việt Nam năm 2025 sẽ vào khoảng 800-900 nghìn xe và năm 2030 khoảng 1,5-1,8 triệu xe. Nếu không phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước thì toàn bộ thị trường xe con sẽ là xe nhập khẩu; 50% thị trường xe khách và xe tải sẽ phải nhập khẩu và Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ ô tô cho các hãng nước ngoài. Đây sẽ là một bước lùi cho công nghiệp Việt Nam. Với gần 100 triệu dân, liên tục tăng trưởng, có nền tảng công nghiệp và nhiều lợi thế tiềm năng, Việt Nam cần thiết phải phát triển công nghiệp ô tô. Bên cạnh hiệu quả quan trọng của một ngành kiến tạo, công nghiệp ô tô còn khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ kinh tế quốc tế.
Cấp thiết có biện pháp hỗ trợ
Trước làn sóng ô tô nhập tràn về, Chính phủ, Bộ Công Thương đã nhiều lần phát đi thông điệp tiếp tục làm công nghiệp ô tô. Những chính sách ưu đãi, hỗ trợ mới đang được nghiên cứu. Tuy nhiên, thực trạng công nghiệp ô tô trong nước không hề sáng sủa, phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản, chủ yếu chỉ gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra. Sản lượng dưới công suất thiết kế rất nhiều; chưa có hợp tác - liên kết và chuyên môn hoá trong sản xuất - lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện; chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn…dẫn đến không tối ưu được hiệu quả sản xuất và giá thành khiến giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. [caption id="attachment_5388" align=aligncenter width=500] Dù được xây dựng 20 năm nhưng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn “lẹt đẹt” đi sau các nước trong khu vực.[/caption] Ngoài ra, 80 - 90% nguyên liệu linh kiện chính như thép hợp kim, hợp kim nhôm, hạt nhựa, cao su kỹ thuật cao phải nhập khẩu, chỉ tự túc săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa.... Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực trung bình đã đạt được 65 - 70%, Thái Lan đạt tới 80%. Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Công, cho rằng cần phải nhìn thẳng vào thực tế, công nghiệp ô tô chỉ phát triển được khi có sự ủng hộ quyết liệt của Chính phủ, thông qua các chính sách cụ thể. “Nếu không có những chính sách hợp lý, bảo vệ sản xuất trong nước kịp thời từ phía các cơ quan Chính phủ để DN Việt bật lên thì rất khó trụ vững trước cơn lốc nhập khẩu từ chính các nước ASEAN, khi từ năm 2018 thuế nhập khẩu ô tô bằng 0%", ông Đức khẳng định. Tại Cuộc họp của Nhóm công tác Đối thoại Ô tô lần thứ 26 (AD 26) hồi tháng 5, các đại biểu đều nhấn mạnh ngành công nghiệp ô tô đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế APEC, là động lực thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp liên quan khác như cơ khí, điện tử, tự động hóa, cơ sở hạ tầng. Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Với số linh kiện, chi tiết cấu thành lên đến con số hàng nghìn, tích hợp nhiều ứng dụng công nghệ cao, việc công nghiệp ô tô phát triển và thành công sẽ là động lực cho hàng loạt ngành nghề, lĩnh vực khác phát triển theo, tạo ra nhiều công ăn việc làm và đóng góp cho ngân sách và góp phần giảm nhập siêu. Với tầm quan trọng của một ngành công nghiệp kiến tạo như ô tô, cộng đồng doanh nghiệp đều kỳ vọng Chính phủ có quyết sách mạnh mẽ và tập trung. Bởi đây nếu chần chừ, Việt Nam sẽ đánh mất một đòn bẩy để bước vào công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang ngày càng hiện hữu.
Nguồn: Vietnamnet