Những nguy hiểm tiềm ẩn khi mở điều hòa ô tô không đúng cách
Hiện tượng sốc nhiệt độ cơ thể với môi trường là hậu quả của việc bật điều hòa xe hơi một cách “vô tội vạ”. Hãy lưu ý và cẩn trọng một số quy tắc khi sử dụng máy điều hòa trên xe hơi sau đây:
Sốc nhiệt độ có thể gây tử vong
Trong những ngày nắng nóng oi bức, nguy cơ sốc nhiệt trong cơ thể rất dễ xảy ra, đặc biệt với người lớn tuổi, trẻ nhỏ, người thừa cân, và người có thể trạng yếu. Nếu không được cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể tử vong.
Nếu nhiệt độ môi trường ở khoảng 39 độ C trở lên, khi vào xe, người lái không nên mở ngay điều hòa ở mức cao hay thấp nhất. Hiện tượng sốc nhiệt cơ thể có thể xảy ra với bất kỳ ai, đặc biệt những người có thể trạng kém.
Các hãng xe đều khuyến cáo người dùng, trước khi vào xe nên mở cửa sổ xe cho thông thoáng, đợi vài phút, sau đó mới vào xe. Việc đó giúp đẩy lượng khí nóng trong xe, khi đỗ xe dưới trời nắng hay trong môi trường ít thông thoáng, hầm đỗ xe.
"Nếu trên người đang túa ra mồ hôi, càng cần lưu ý hơn. Chúng ta nên lau khô trước khi bật điều hòa. Lưu ý chỉnh ở mức trung bình và chế độ quạt gió vừa phải, giúp giảm nguy cơ bị nhiễm lạnh, gây cảm cúm." - BS.Đạt, khoa nội tổng quát bệnh viện N.T.Phương cho biết.
Riêng với trường hợp đang ngồi trong xe ở mức lạnh tối đa, trước khi ra ngoài trời nắng nóng, người lái nên tắt điều hòa, chỉnh quạt gió ở mức vừa để cơ thể thích nghi trong vài phút. Sau đó tắt máy, mở cửa xe ra ngoài.
Chị Thúy ngụ tại Q.10, nhân viên văn phòng đang chạy chiếc Civic, kể lại chuyện bị sốc nhiệt độ: "Có lần vừa bước ra xe, tôi đột nhiên chóng mặt, không thấy gì, một phần cơ thể không cử động được. Nhờ người đi đường gọi xe cấp cứu đưa vào bệnh viện, làm hết các xét nghiệm. Cuối cùng, bác sĩ nghi ngờ do bị sốc nhiệt độ. Nghĩ lại thật kinh khủng".
Tuổi thọ các thiết bị giảm
Bật điều hòa ngay khi lên xe sẽ làm động cơ hoạt động quá sức, tác động lên tuổi thọ các thiết bị đi cùng.
Anh L.V.Tám, kỹ sư cơ khí tại một gara xe ở Q.11 cho biết: "Không nên bật máy điều hòa trước hoặc cùng lúc khởi động xe, nó sẽ tiêu tốn khá nhiều năng lượng của ắc-quy. Ngoài ra, việc bật máy điều hòa đầu tiên, không thể làm cabin mát nhanh, trái lại nó phải mất khoảng thời gian khá lâu để trung hòa khối khí nóng bên trong, tác động xấu lên hệ thống, thiết bị đi cùng."
Nhiều thắc mắc cho rằng khi trong cabin đủ mát, người lái nên sử dụng gió trong hay ngoài. Một số chủ xe cho rằng, nên lấy gió trong vì gió ngoài đôi lúc bị ô nhiễm và có mùi khó chịu.
"Khi đủ mát, tôi lúc nào cũng dùng gió trong thay vì gió ngoài. Trong một vài trường hợp có người bị say xe, dị ứng với không khí máy điều hòa, tôi mới mở gió ngoài hoặc mở luôn cửa kính xe." - Chú Hiệp, tài xế xe khách nhiều năm kinh nghiệm cho biết.
Về phương diện kỹ thuật, anh Tám cho rằng: "Khi trong cabin xe đủ mát, chúng ta nên ưu tiên chế độ lấy gió trong. Bởi nếu sử dụng gió ngoài, hệ thống sẽ tốn thêm công suất để chạy, để duy trì độ mát cho cabin."
Ngoài ra, khi chạy trong khu vực ngập nước cao, người lái cũng nên tắt hệ thống máy điều hòa để hạn chế rác bẩn bị cuốn vào quạt gió, gây hỏng hệ thống điều hòa trong xe.
*Về Carmudi:
Carmudi là website hàng đầu trong việc cung cấp thông tin và trao đổi mua bán ô tô đáng tin cậy nhất tại Việt Nam!