Nằm lòng các ý vạch và làn đường để không bị phạt oan
Theo Bộ Giao Thông Vận Tải ban hành Điều lệ báo hiệu Đường bộ thì “Vạch kẻ đường” là dạng biển báo hiệu đường bộ để hướng dẫn, điều khiển giao thông. Có thể dùng độc lập hoặc kết hợp với các loại biển báo hiệu đường bộ hoặc đèn tín hiệu giao thông.
Trong đó vạch kẻ vàng có thể hiểu đơn giản là để ngăn cách, phân biệt giữa 2 chiều đường ngược nhau, Và vạch vàng thường được chia làm các loại sau:
Vạch vàng nét đứt: với những vạch vàng nét đứt (như vạch 1.1, 1.5) nếu không có biển báo cấm vượt, các phương tiện đang tham gia giao thông có thể lấn sang làn đối diện để vượt xe khác khi đủ điều kiện an toàn.
Vạch vàng nét liền 1.2: thường sử dụng nhiều ở các đoạn đường không đảm bảo tầm nhìn, với loại vạch này các phương tiện giao thông không được cán, đè, hay vượt vạch này.
Vạch vàng nét liền đôi 1.3: được dùng để phân chia hai chiều làn đường, có tác dụng tương đương với dải phân cách thường. Các phương tiện giao thông không được cán, đè, lấn qua vạch này.
Vạch 1.4 - vạch vàng đôi một đứt, một liền: có tác dụng giống với vạch 1.3 nhưng phương tiện bên phần đường có vạch nét đứt có thể sử dụng làn đối diện để vượt phương tiện khác khi cần thiết và đủ điều kiện. Xe phần vạch liền không được phép cán, đè, hay lấn vạch.
Tuy nhiên, đó chỉ là dựa trên lý thuyết, trong thực tế khi lưu thông trên những đoạn đường có vạch liền vàng vào khung giờ cao điểm hoặc có sự cố bất ngờ rất dễ cán lên vạch này. Nhưng khi đè, lấn qua vạch này thì được chia ra 2 trường hợp quy vào 2 lỗi vi phạm khác nhau có mức phạt khác nhau chênh lệch khá nhiều dựa trên Nghị định 100 mới.
Trường hợp 1: Khi một hoặc hai bánh xe bên trái cán, đè lên vạch nhưng bánh xe chưa lấn qua hết chiều ngang của vạch thì quy vào lỗi vi phạm “không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo, vạch kẻ đường” hay gọi tắt là lỗi đè vạch có mức phạt từ 200.000 - 400.000 đồng. Khi vi phạm có thể bị lập biên bản xử phạt tại chỗ.
Trường hợp 2: Bề ngang của bánh xe bất kể là bánh trước hoặc bánh sau lấn qua hết chiều ngang của vạch và nằm hoàn toàn bên đường ngược chiều thì bạn đã phạm lỗi “Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi mình, đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều)” hay gọi tắt là sai làn có mức phạt nặng từ 3 triệu - 5 triệu đồng. Có áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng, nếu gây ra tai nạn thì có thể bị tịch thu giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.
Tuy nhiên trong nhiều trường hợp bất ngờ xảy ra như xe băng ngang tạt đầu, đánh lái tránh các sự việc bất khả kháng thì căn cứ theo Điểm 3, Điểm 4 Điều 11 Luật Xử lý Vi phạm Hành chính năm 2012 của Chính phủ áp dụng thì không xử lý vi phạm hành chính trong đó có 2 trường hợp sau:
- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự việc bất ngờ xảy ra.
- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự việc bất khả kháng.
Nhưng để không bị xử lý vi phạm, bạn cần phải chứng minh việc mình vi phạm là do bất khả kháng hoặc bất ngờ xảy ra. Ví dụ:
-Các sự kiện bất ngờ xảy ra: do trâu bò, vật nuôi, người điều khiển xe máy, xe đạp đột ngột xuất hiện băng ngang đường khiến tài xế bắt buộc đánh lái ở nơi có vạch kẻ liền hoặc trong trường hợp cấm vượt.
-Các sự kiện bất khả kháng: do cây cối, biển quảng cáo, xe có trọng tải lớn, xe container,… che khuất biển báo tốc độ, biển báo khu dân cư, biển cấm vượt,… khiến tài xế không nhìn thấy dẫn đến việc vượt quá tốc độ, hay vượt xe.