Liệu bạn có biết rõ trình tự giải quyết tai nạn, va chạm giao thông được thực hiện thế nào ?
Thưa Luật sư, ngày 24/2/2016, khoảng 1-2 giờ chiều, trong khi tôi tham gia giao thông bằng xe mô tô trên quốc lộ 1A đoạn qua xã Hà Ninh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa thì xảy ra va chạm với một xe mô tô khác đang sang đường. Vụ va chạm không quá mạnh, song người phụ nữ điều khiển xe mô tô ấy bị gãy chân do tay lái xe của người đó đâm vào chân khi xe bị đổ. Khi xảy ra tai nạn tôi đi một mình, hoàn toàn tỉnh táo, không uống rượu bia, có giấy tờ đầy đủ và đội mũ bảo hiểm, còn người phụ nữ kia lái 2 người nữa, và không đội mũ.
Do sau khi tai nạn xảy ra, nhận thấy 2 người ngồi sau xe mô tô hoàn toàn bình thường, còn người phụ nữ cầm lái chỉ nói bị đau chân và không bị chảy máy gì, tôi thì bị thương ở chân, xe mô tô kia không hư hại gì, xe tôi bị nứt yếm và kẹt ga, xét thấy tai nạn không nghiêm trọng và do đang có công việc nên tôi điểu khiển xe máy đi. Nhưng do xe bị kẹt ga nên tôi cho xe quay lại để sửa, đúng lúc có người dân ở đó gọi lại để giải quyết. Tai nạn nhẹ nên lúc đó không ai gọi công an, tập trung đưa người phụ nữ vào bệnh viện, và bác sĩ chuẩn đoán bị gãy chân. Trong lúc đó, ngườì nhà phụ nữ kia giữ tôi lại và nhờ người dân gần đó khóa xe mô tô của tôi và giữ chìa khóa xe. Cho đến chiều tôi vào thăm người phụ nữ, được bác sĩ chỉ định nằm lại theo dõi sau khi đã bó bột. Và đến tối người nhà phụ nữ kia gọi công an xã đưa tôi và xe đến trụ sở CA xã Hà Ninh. Trong khi giải quyết, CA xã đã tạm giữ giấy đăng kí xe và CMT của tôi mà không giữ bất kì giấy tờ gì của người kia, và hẹn 10 ngày sau đến giải quyết, để 2 bên tự thỏa thuận. Vậy tôi có những vấn đề thắc mắc sau, rất mong được giải đáp:
- Việc giữ giấy đăng kí xe và CMT của tôi mà không giữ bất kì giấy tờ gì của người phụ nữ kia có hợp pháp không, lí do họ đưa ra là người kia là người của xã họ (xã Hà Ninh) và bị thương nặng hơn tôi. Còn tôi là người nơi khác, lí do đó có đúng với pháp luật?
- Về việc giải quyết, nếu sau 10 ngày 2 bên không tự thỏa thuận được thì cần tới can thiệp của công an, vậy lúc đó CA sẽ giải quyết thế nào khi mọi tang chứng đều đã mất hết, còn nhân chứng là người hàng xóm với người phụ nữ kia, sẽ không tránh khỏi việc bênh vực cho người đó. Trong trường hợp này tôi cần làm gì?
- Về việc bồi thường, tôi phải chịu trách nhiệm bao nhiêu % đối với người phụ nữ kia. Và người đó có phải chịu trách nhiệm với tôi không, trong khi xe tôi hỏng và chân tôi cũng bị đau. Người phụ nữ ấy có 2 con nhỏ và sắp đi xuất khẩu lao động sang Trung Quốc vào ngày 25 tới, gia đình bên đó đưa ra lý do ấy để buộc tôi bồi thường thêm khoản chi phí ngoài viện phí thì có đúng không?
Rất mong nhận được phản hồi sớm từ phía công ty!
Trả lời:
1.1 Quy định về giữ giấy đăng ký xe và chứng minh thư
Theo quy định tại khoản 3 Điều 39 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, trưởng công an cấp xã có quyền:
"b. Phạt tiền đến 5% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 2.500.000 đồng;
c. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này".
Theo quy định khoản 3 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012: "Người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quy định tại Chương II Phần thứ hai của Luật này thì có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính".
Và theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Quyết định số 18/2007/QĐ-BCA Quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông về tạm giữ phương tiện giao thông có liên quan:
"a. Khi vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra, các phương tiện giao thông có liên quan đều phải được tạm giữ để phục vụ công tác khám nghiệm, điều tra giải quyết (trừ các phương tiện giao thông ưu tiên theo quy định). Việc tạm giữ phương tiện giao thông phải được lập biên bản, ghi rõ tình trạng phương tiện bị tạm giữ;
b. Trường hợp vụ tai nạn giao thông đường bộ có dấu hiệu tội phạm thì đơn vị Cảnh sát giao thông tạm giữ phương tiện có trách nhiệm bàn giao phương tiện bị tạm giữ cùng với hồ sơ vụ án cho đơn vị điều tra tội phạm về trật tự xã hội có thẩm quyền..."
Chú ý: Khi tạm giữ và trả phương tiện phải có quyết định và biên bản theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trường hợp của bạn, nếu công an xã có quyền thu giữ xe của bạn (tùy thuộc vào giá trị xe của bạn theo quy định tại điều luật trên) thì phải thu giữ cả phương tiện giao thông của người phụ nữ kia.
1.2 Bảo vệ quyền lợi khi mất hết tang chứng:
Khi bạn làm đơn đề nghị yêu cầu cơ quan công an giải quyết thì sau khi thụ lý đơn, cơ quan công an phải tiến hành các thủ tục điều tra, giải quyết vụ việc. Theo quy định tại Quyết định 18/2007/QĐ - BCA thì phải ghi lời khai của người điều khiển phương tiện giao thông có liên quan, người bị nạn, người làm chứng, thậm chí dựng lại hiện trường nếu cần thiết. Ngoài ra, cơ quan công an còn giám định chuyên môn với thương tật của người bị nạn nên vẫn đảm bảo được tính công bằng. Nếu bạn không đồng ý với kết quả giải quyết của cơ quan công an thì có thể làm đơn khiếu nại lên cấp trên trực tiếp của người ra quyết định.
1.3 Bồi thường thiệt hại tai nạn giao thông:
Căn cứ theo điều 584 và điều 585 của Bộ luật dân sự 2015 quy định về căn cứ và nguyên tắc của bồi thường thiệt hại.
Do bạn cung cấp các thông tin chưa cụ thể để chúng tôi xác định lỗi thuộc về ai, nên chúng tôi chưa thể khẳng định ai phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, tuy nhiên, pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, trong trường hợp các bên không tự thỏa thuận được thì bạn có thể khởi kiện ra Tòa án để được yêu cầu giải quyết.
Theo Luatminhkhue
Carmudi Vietnam là website hàng đầu trong việc cung cấp thông tin và trao đổi mua bán ô tô đáng tin cậy nhất tại Việt Nam!