Làm gì khi bị CSGT dừng xe ô tô?
Dừng xe
Trước tiên, khi phát hiện xe vi phạm giao thông, CSGT sẽ tuýt còi và yêu cầu phương tiện tấp vào lề để xử lí. Lúc này, bạn cần bình tĩnh, gạt xi-nhan tấp xe vào lề theo chỉ dẫn của CSGT nhưng phải đảm bảo an toàn cho bạn và những người đang lưu thông. Sau đó bạn nên bật đèn dừng khẩn cấp trên xe ôtô (hazard light).
Quan Sát và kiểm tra
Cảnh sát giao thông là những người mặc cảnh phục màu vàng, đeo thẻ xanh, trên thẻ ghi số hiệu, cấp hiệu theo quy định, đội mũ kê-pi có vành màu đỏ hoặc mũ bảo hiểm cùng màu với quần áo. Phía trước mũ gắn quốc huy, hai bên mũ có chữ “CSGT” màu xanh phản quang (sử dụng khi tuần tra, kiểm soát bằng xe mô tô), có dây lưng và dây chéo bằng da màu nâu, giầy da màu đen. Trong trường hợp CSGT mặc đồng phục không đúng quy định hay không đeo thẻ xanh trên áo thì bạn có quyền không làm việc với người yêu cầu bạn dừng xe. Ngoài ra, quan sát xung quanh xem có bao nhiêu CSGT, nếu chỉ có 1 người thì không đúng quy định, vì theo quy định tại Thông tư số 65/2012/TT-BCA, tổ CSGT tối thiểu phải đi 2 người.
Chào hỏi
Cảnh sát giao thông luôn phải có thái độ kính trọng, lễ phép, tận tụy, đúng mực. Vì thế, sau khi dừng xe ô tô họ sẽ thực hiện chào bạn trước theo đúng hiệu lệnh Công an nhân dân theo quy định tại Thông tư số 65/2012/TT-BCA, điều 3, khoản 3 của Bộ Công an quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát giao thông đường bộ, (trừ trường hợp bạn có dấu hiệu tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã hoặc có hành vi thiếu văn hóa...). Nếu CSGT chưa chào đúng, bạn có thể bắt chào lại khi nào được mới làm việc
Bạn nên chào CSGT bằng đầy đủ tên họ, cấp bậc (nếu biết) - điều này giúp thể hiện sự hiểu biết của bạn, tạo sự uy quyền và thầm nhắc nhở CSGT phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Xử lý vi phạm
Sau khi chảo hỏi, CSGT sẽ tiến hành các thủ tục xử lí. Đầu tiên là thông báo lỗi cho người vi phạm được biết. Lưu ý, không phải cứ CSGT tuýt còi thì chắc chắn bạn vi phạm. Vì vậy, bạn có quyền giải thích, chứng minh mình không vi phạm luật giao thông nếu thấy mình bị “thổi oan”.Nếu chứng minh được bạn không có nghĩa vụ phải xuất trình giấy tờ xe.
Ngoài ra, theo Điều 14 Thông tư số 65/2012/TT-BCA ngày 30/10/2012 của Bộ Công an quy định cảnh sát giao thông chỉ được dừng phương tiện để kiểm soát khi trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ. Nói cách khác, chỉ phải xuất trình giấy tờ nếu CSGT đã chứng minh rõ ràng là người đi đường phạm lỗi gì đó cụ thể. Vì vậy, CSGT có nghĩa vụ phải chứng minh được bạn đã vi phạm luật giao thông và đồng thời bạn cũng có quyền chứng minh mình không vi phạm lỗi đó. Quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13, điều 3.
Lập biên bản
Theo điều 17, chương V, thông tư 65/2012/TT-BCA, việc lập biên bản vi phạm chỉ được thực hiện sau khi bạn đã nghe CSGT thông báo cho bạn biết rõ về lỗi vi phạm. Khi lỗi vi phạm mà CSGT đưa ra là đúng thì bạn hãy nhận lỗi.
Biên bản vi phạm hành chính được lập ít nhất hai bản, một bản giao cho người vi phạm, một bản CSGT giữ lại dùng cho việc ra quyết định xử phạt và lưu hồ sơ. Biên bản được ban hành theo đúng mẫu đã quy định, có dấu đỏ, có số thứ tự. Lỗi của bạn sẽ được ghi rất rõ ràng theo điều, khoản mục nào trong luật giao thông đường bộ hay các văn bản hướng dẫn dưới luật.
Sau khi biên bản được lập, bạn cần đối chiếu xem nội dung có đúng với lỗi đã vi phạm hay chưa. Nếu chưa đúng thì bạn có thể yêu cầu Cảnh sát giao thông sửa lại và họ sẽ ký tên trước khi đưa cho bạn ký. Nên nhớ, để CSGT ký xong, chúng ta xem kỹ lại lần nữa rồi mới ký.
Hãy cùng Carmudi tìm hiểu thêm nhiều bài viết về các lỗi vi phạm giao thông tại đây.
Đức Đỗ