Lái mới không còn phải sợ chạy xe đường dài khi có loạt bí kíp này
Lái xe theo kiểu phòng thủ (defensive driving)
Lái xe phòng thủ hay defense driving đơn giản chỉ là lái như thế nào sao để khi phương tiện khác làm điều gì đó bất ngờ và ngu ngốc, mình đã chuẩn bị sẵn để né và ngăn ngừa được tai nạn xảy ra. Ví dụ: Xe máy có thể bất chợt quay đầu; xe tải mình đang vượt có thể đột ngột lấn trái để né một xe khác; người đi bộ có thể bất ngờ nhảy ra từ phía con lươn thiếu quan sát; một xe ô tô đâm sầm từ đường nhánh đi ra...
Trong những trường hợp trên, nếu ta chủ động phòng tránh, khả năng xảy ra tai nạn sẽ thấp hơn. Chủ động phòng tránh tức là chạy chậm lại khi thấy có khả năng bất trắc, giữ khoảng cách hợp lý với các xe khác; và không len vào những vị trí quá chật khiến cho mình không thể tránh khi việc bất ngờ xảy ra.
Vượt và để người khác vượt
Khi vượt 1 xe 4 bánh khác, các bác tài lưu ý liếc nhanh kính chiếu hậu để xem có xe nào phía sau mình cũng đang cố vượt mình hay không, sau đó hãy bật xi nhan, chờ 3 giây rồi mới vượt. Chớ vượt ngay sau khi bật xi-nhan sẽ khiến xe sau trở tay không kịp. Trước khi vượt, ban ngày thì hãy còi 1 hoặc 2 phát. Ban đêm thì nhá đèn 2 phát.
Trong trường hợp có xe khác muốn vượt mình, một số tài xế không tạo điều kiện cho họ vượt, vì tâm lý sợ bị choáng tầm nhìn, hoặc xe vượt qua mình rồi lại giảm tốc độ ngay trước mũi xe. Tuy nhiên điều này hoàn toàn không nên. Hãy thể hiện văn hoá giao thông bằng khách khi xe sau muốn vượt, chúng ta hãy xi nhan phải và buông chân ga hoặc nhấp thắng nhẹ. Nếu bên phải không có chướng ngại vật, có thể lách nhẹ qua để nhường cho họ vượt.
Tăng tốc và giảm tốc
Chúng ta có thể tăng tốc khi mặt đường phía trước thoáng, có thể nhìn rõ khoảng không phía sau dải phân cách bên trái, và bên phải lề đường tầm nhìn thoáng không bị cây cối nhà cửa che khuất.
Ngược lại, khu vực đông dân cư, kể cả không có bảng báo hiệu, chúng ta vẫn cần giảm tốc. Khu đông dân cư luôn tiềm ẩn các mỗi nguy như xe máy bẻ lái tứ tung, người dân băng đường, trẻ nhỏ lượm trái banh… Ngoài ra, khi thấy biển báo nguy hiểm có đường cắt ngang, chúng ta cũng nên buông ga hoặc rà thắng.
Ngoài ra chúng ta ta cũng cần giảm tốc khi qua đoạn đường hẹp và bị khuất tầm nhìn. Kinh nghiệm lúc này là nên đi chậm lại và chủ động né vật cản.
Dải phân cách khuất tầm nhìn
Dải phân cách có thể một hàng cây rậm rạp, có thể là khối bê tông rất cao hoặc có thể thấp nhưng không có đèn đường vào ban đêm. Hãy chủ động di chuyển cách xa các dạng phân cách trên, bởi rất nhiều người có thói quen băng qua đường rất bất cẩn.
Ngoài ra, không ít người lái xe máy điều khiển xe chạy ngược chiều sát con lươn đối đầu với mình, và dại dột hơn nữa là chạy thế trong đêm mà không bật đèn.
Các đoạn đèo cua liên tục
Đường đèo tại Việt Nam thường rất hẹp và cua gắt. Nhưng một số tài xế thường chạy quá nhanh, thậm chí lấn sang bên làn đường đối diện bất chấp hiểm nguy. Vì vậy để đảm bảo an toàn, chúng ta cần phải bóp còi trước khi vào cua. Tầm nhìn càng hạn chế càng phải bóp còi.
Chạy đường trời mưa hay đường ướt
Đường mưa dễ trơn trượt thì phải chạy chậm lại, ít nhất 10kmh ít hơn so với tốc độ tối đa cho phép. Bởi nếu không, khi gặp sự cố bất ngờ, cần đánh lái tránh hay thắng gấp, xe chạy quá nhanh sẽ trượt nước. Một khi trượt nước rồi xe sẽ không điều khiển được nữa nó sẽ lướt đi đâu nó lướt. Việc đó hết sức nguy hiểm.
Đi ban đêm
Ban đêm, các bác cần giảm tốc độ tối đa tương tự trời mưa đường ướt. Đơn giản là vì tầm nhìn kém, dân đi xe máy ngoài đường quê hay bị hỏng đèn. Họ trở thành những nhân tố "ú òa", bất ngờ xuất hiện gây nguy hiểm cho ta. Trường hợp khác là các xe đối diện vô ý thức pha đèn vào mặt ta chói loà không thể thấy gì. Vì thế ta cần giảm tốc khi đi ban đêm. Đặc biệt là khi chạng vạng tối càng cần cẩn thận hơn nữa vì lúc đó mắt ta nhìn không rõ mà đường tan tầm lại đông người.
Rẽ từ đường nhỏ ra đường lộ lớn
Hồi xưa khi em học lái, không thầy nào dạy em khi rẽ từ đường nhỏ ra đường lớn mà không có đèn xanh đỏ thì phải dừng lại quan sát nhìn thật kỹ bên phải bên trái rồi mới rẽ vào. Khi rẽ phải vào đường lớn có hai làn thì rẽ vào làn sát lề trước rồi mới xi nhan trái chuyển sang làn trái.
Giữ khoảng cách an toàn
Trong thành phố tốc độ giao thông chậm thì bám đuôi nhau còn chấp nhận được. Chứ đường lộ hay cao tốc mà bám đuôi nhau lỡ xe trước gặp chướng ngại vật nó lách qua thì nếu mình không phản ứng kịp và tông trực diện vào chướng ngại vật, hoặc nếu xe trước thắng quá gấp thì xảy ra việc tông dồn toa. trường hợp này xảy ra ở VN hoài, hoài không dứt.
Bám đuôi là một hành động vô trách nhiệm, vô ý thức. Đừng xếp mình chung với thể loại tài xế này.
Chó mèo, trâu bò
Là động vật thể thì không ý thức được sự nguy hiểm của đường sá. May mắn một điều là, chúng ta chỉ thiệt hại khi tông trúng con vật to. Ví dụ như: con bò có thể làm móp capo xe, vỡ kính chắn gió, còn con chó thì chỉ có thể làm rớt cái cản trước ra. May hơn nữa là, vật càng to ta càng dễ phát hiện từ xa.
Ta có thể nhìn thấy một con bò cách xa 200m nhưng chỉ có thể phát hiện con chó cách chừng 50m. May phước, con chó biết né nhanh hơn con bò. Gặp chó thì nên bấm thêm kèn. Gặp bò thì không nên, bấm kèn làm chúng hoảng chạy lung tung.
Né chướng ngại vật
Quan điểm của em là: đã đường xấu thì chẳng thể chạy nhanh. Mà đã chạy chậm thì né thoải mái.
Còn hễ chạy nhanh và xe khác trên đường cũng nhanh thì vì đường tốt. Nhưng đường tốt mà bất chợt có một cái mố cầu, một cái hố, hay một đống phân bò thì làm thế nào?
Hố có thể làm hư phuộc nhún xe hay làm bể bánh. Phân bò có thể làm xe mất thẩm mỹ khi tới nơi. Mố cầu có thể làm mọi người trong xe đánh đầu với trần xe.
Nhưng nếu ta lách tránh chúng quá gấp mà xe khác không né kịp thì có lẽ chúng ta sẽ không tới nơi.
Vì vậy, ta chỉ nên rà nhẹ thắng và phang thẳng vô chúng. Miệng rủa thầm thằng nào xây đường kiểu vậy (hơn 1 triệu người rủa mỗi ngày sẽ khiến chúng mất việc). Miệng rủa cứ rủa chứ tay không né. Vì nếu né, thằng chạy ngay phía sau ta sẽ một phen hết hồn và rủa ta.
Carmudi Vietnam là website hàng đầu trong việc cung cấp thông tin và trao đổi mua bán ô tô đáng tin cậy nhất tại Việt Nam!