Kinh Nghiệm Lái Ô Tô Và Xử Lý An Toàn Khi Đi Qua Cầu Trong Mùa Mưa Bão
Mục lục
Vụ sập cầu Phong Châu ở Phú Thọ vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn khi lưu thông qua các cây cầu, đặc biệt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như mùa mưa bão. Tai nạn giao thông xảy ra trên cầu không chỉ gây thiệt hại về người và của mà còn để lại những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và xã hội. Vậy, làm thế nào để người lái xe có thể đảm bảo an toàn khi di chuyển qua cầu trong những tình huống này? Hãy cùng Carmudi khám phá những kinh nghiệm quý báu để có thể đối mặt với những tình huống bất ngờ trên đường, đảm bảo hành trình di chuyển luôn được suôn sẻ và an toàn nhé!
Sự cố sập cầu Phong Châu và thiệt hại
Do ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão số 3, mực nước trên sông Thao (một nhánh của sông Hồng) dâng cao đột ngột. Tại trạm quan trắc Ấm Thượng, mực nước đã lên tới +27,25 mét, vượt quá mức báo động 3 tới 1,25 mét.
Với dòng chảy xiết mạnh do mưa lũ gây ra, vào khoảng 10 giờ 02 phút sáng ngày 9 tháng 9 năm 2024, cầu Phong Châu, nằm tại vị trí km18+300 trên Quốc lộ 32C, đoạn nối liền hai huyện Tam Nông và Lâm Thao thuộc tỉnh Phú Thọ, đã không chịu được áp lực và sập đổ.
Cụ thể, trụ số 7 cùng với hai nhịp cầu chính số 6 và số 7 phía bờ hữu sông Thao (thuộc địa bàn huyện Tam Nông) đã bị cuốn trôi hoàn toàn. Theo thông tin ban đầu, vào thời điểm xảy ra sự cố, có tổng cộng 10 phương tiện đang lưu thông qua cầu, bao gồm 1 xe ô tô tải, 2 xe ô tô đầu kéo, 6 xe mô tô và 1 xe máy điện. Hậu quả nghiêm trọng là 8 người đã mất tích và 3 người khác bị thương nặng đã được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện để điều trị kịp thời.
Kinh nghiệm lái xe an toàn qua cầu mùa mưa bão
Do ảnh hưởng từ thời tiết thiên tai, mưa gió, lũ lụt khiến việc chạy xe qua cầu có phần khó khăn hơn so với trên đường bộ. Bởi sức gió mạnh dễ khiến người và xe khó giữ độ cân bằng khi di chuyển, nếu không vững tay lái có thể xảy ra tai nạn ngoài ý muốn.
Do vậy, ngoài việc tài xế cần chấp hành nghiêm chỉnh Luật giao thông đường độ, vào những ngày mưa bão, cần tuyệt đối tuân theo chỉ dẫn của người gác cầu hoặc nhân viên bến phà nếu phát hiện sức gió quá mạnh hoặc dòng nước chảy quá xiếc.
Trước khi qua cầu:
Kiểm tra xe: Đảm bảo hệ thống phanh, đèn chiếu sáng, lốp xe hoạt động tốt. Kiểm tra áp suất lốp để đảm bảo độ bám đường tốt nhất.
Quan sát biển báo: Chú ý các biển báo giới hạn tốc độ, tải trọng, và các cảnh báo nguy hiểm khác trên cầu.
Quan sát tình hình cầu: Kiểm tra xem cầu có bị hư hỏng, nứt nẻ, hoặc có dấu hiệu sụt lún không.
Mở cửa kính: Điều quan trọng mà các tài xế nên chú ý, việc mở cửa kính nếu chẳng may gặp trường hợp rơi cầu sẽ giúp tài xế nhanh chóng thoát ra ngoài
Khi qua cầu:
Giảm tốc độ: Giảm tốc độ xuống thấp hơn so với tốc độ cho phép, đặc biệt là khi qua cầu hẹp hoặc cầu yếu.
Gài số thấp: Gài số thấp để tăng mô-men xoắn, giúp xe ổn định hơn khi di chuyển qua cầu.
Giữ khoảng cách: Giữ khoảng cách an toàn với các xe khác để tránh va chạm nếu có tình huống bất ngờ xảy ra.
Tránh phanh gấp: Tránh phanh gấp đột ngột, có thể khiến xe mất lái hoặc bị trượt.
Không tăng ga đột ngột: Tăng ga từ từ và đều để tránh làm mất kiểm soát xe.
Tránh đổi số: Tránh đổi số khi đang đi trên cầu để tránh làm ảnh hưởng đến sự ổn định của xe.
Chú ý đến mặt đường: Quan sát kỹ mặt đường để tránh những ổ gà, ổ voi hoặc những vật cản khác.
Không đi sát rìa cầu: Giữ khoảng cách an toàn với thành cầu để tránh trường hợp bánh xe bị vướng vào hoặc rơi xuống.
Đi thẳng, không đánh lái đột ngột: Tránh đánh lái đột ngột để tránh làm mất cân bằng xe.
Quan sát người đi bộ: Chú ý đến người đi bộ, đặc biệt là khi qua cầu hẹp hoặc cầu có nhiều người qua lại.
Xử lý như thế nào khi ô tô rơi xuống cầu
Mở cửa kính là nguyên tắc quan trọng nhất để giảm thiểu thiệt hại về người trong trường hợp ô tô rơi do cầu sập.
Quan niệm đóng kín cửa xe để giúp xe nổi khi rơi xuống nước là hoàn toàn sai lầm. Thực tế, dù cửa xe có đóng kín, các khe hở nhỏ từ điều hòa, khe cân bằng áp suất vẫn cho phép nước tràn vào xe, khiến xe nhanh chóng chìm. Hơn nữa, khi xe chìm sâu, áp suất bên trong và bên ngoài cabin sẽ cân bằng, khiến việc mở cửa trở nên cực kỳ khó khăn. Ngược lại, nếu mở cửa sổ ngay khi xe gặp nạn, cơ hội thoát ra ngoài sẽ cao hơn rất nhiều.
Trường hợp cửa không mở
Tháo dây an toàn: Mọi người trên xe cần nhanh chóng tháo dây an toàn để giải phóng cơ thể. Đặc biệt ưu tiên giúp đỡ trẻ em và người già.
Mở cửa kính:
Sử dụng hệ thống điện: Nếu hệ thống điện của xe vẫn hoạt động, hãy tận dụng để hạ cửa kính bằng nút điều khiển.
Sử dụng tay quay cơ: Đối với các loại cửa kính có tay quay cơ, hãy cố gắng quay tay quay thật nhanh để mở cửa.
Phá kính: Trong trường hợp hệ thống điện không hoạt động hoặc không thể mở cửa bằng tay quay, hãy sử dụng các vật dụng có sẵn như thanh kim loại ở tựa đầu ghế, khóa chốt dây an toàn hoặc búa phá kính để đập vỡ kính. Việc trang bị sẵn một chiếc búa phá kính trên xe là rất cần thiết.
Thoát ra ngoài: Sau khi phá vỡ cửa kính hoặc mở được cửa, hãy nhanh chóng thoát ra ngoài. Người biết bơi nên ưu tiên giúp đỡ trẻ em, người già và những người không biết bơi lên mặt nước.
Tìm kiếm sự giúp đỡ: Ngay khi thoát ra khỏi xe, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của những người xung quanh hoặc các phương tiện cứu hộ.
Ngoài ra, để tăng khả năng sống sót khi gặp tình huống xe rơi xuống nước, việc đeo dây an toàn đúng cách là vô cùng quan trọng. Đeo dây an toàn sai cách, như quàng dây qua người, sẽ khiến bạn khó khăn trong việc tháo dây khi cần thoát hiểm, đặc biệt khi xe bị biến dạng sau va chạm.
Carmudi Vietnam là website hàng đầu trong việc cung cấp thông tin và trao đổi mua bán ô tô đáng tin cậy nhất tại Việt Nam!