Kiểm tra, sử dụng hệ thống phanh trên ô tô như thế nào để đảm bảo an toàn?
Kiểm tra phanh trước mỗi hành trình dài
Việc kiểm tra hệ thống phanh cần được thực hiện bởi các kỹ thuật viên chuyên nghiệp trong các kỳ bảo dưỡng. Tuy nhiên, trước chuyến đi, người lái cũng nên dành chút thời gian kiểm tra nhanh một số bộ phận liên quan đến phanh.
Đầu tiên, bạn hãy bật nắp ca-pô và kiểm tra nhanh tình trạng dầu phanh trong bình chứa. Tham khảo thêm sách hướng dẫn sử dụng để xác định vị trí bình chứa dầu phanh trên xe. Dùng đèn soi vào các bánh xe để kiểm tra xem có rò rỉ dầu phanh hay các dấu hiệu bất thường nào hay không…
Tiếp theo, hãy khởi động xe, hạ phanh tay và kiểm tra xem có bất cứ đèn báo nào liên quan đến hệ thống phanh trên bảng táp lô hay không. Thông thường bảng đồng hồ tring tâm sẽ có các đèn báo ABS, đèn báo phanh tay…
Vận hành xe sau đó đạp phanh tăng dần và lắng nghe xem có tiếng kêu nào bất thường từ hệ thống phanh hay không? Nếu có bất cứ sự không bình thường nào, bạn cần liện hệ ngay đến đường dây nóng của đại lý gần nhất để được tư vấn cũng như kiểm tra thêm nếu cần thiết.
Sử dụng phanh như thế nào?
Các tài xế giàu kinh nghiệm thường nói “không biết dùng phanh là tài xế kém, dùng quá nhiều phanh là tài xế tồi”.
Trong quá trình lái xe, người lái cần hạn chế sử dụng phanh nhiều nhất có thể. Việc sử dụng phanh liên tục, đặc biệt là khi vận hành xe trên đường đèo dốc sẽ làm cho các má phanh bị quá nhiệt và có thể dẫn đến tình huống bị mất phanh, hơn nữa việc hạn chế dùng phanh và chủ động về tốc độ xe sẽ tiết kiệm được lượng nhiên liệu tiêu hao.
Việc hạn chế sử dụng phanh có thể áp dụng một số phương pháp như hạn chế tối đa việc tăng tốc đột ngột và phanh gấp.
Chủ động quan sát tình huống giao thông từ xa (có chướng ngại hoặc đèn giao thông...) để giảm ga tức giảm tốc độ từ xa. Tận dụng tối đa hiệu quả phanh động cơ bằng các chế độ số thấp (số L hoặc chuyển về số S) khi vận hành trên đường đèo dốc liên tục.