Hưởng thuế ưu đãi 0%, ô tô nội vẫn thua thiệt so với ô tô nhập khẩu
Xe nội giảm giá
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122 ngày 1/9/2016 và Nghị định số 125 ngày 16/11/2017. Nghị định 57 bổ sung thêm Điều 7b “về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô giai đoạn 2020-2024”. Theo đó, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% được áp dụng từ ngày 10/7/2020.
Theo quy định tại Nghị định 125/2017/NĐ-CP, để được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô 0%, các DN phải cam kết đạt sản lượng nhất định. Với xe chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống, có dung tích xi lanh từ 2.500 cc trở xuống, DN phải đạt tổng sản lượng sản xuất tối thiểu 8.000 xe vào năm 2018 và nâng dần lên 13.500 xe vào 2022. Với mẫu xe riêng, phải đạt sản lượng tối thiểu 3.000 xe vào năm 2018 và 5.000 xe vào 2022.
Với quy định này, chỉ một số DN đạt được cam kết là Trường Hải, Toyota Việt Nam, TC Motor,... Những DN có sản lượng thấp hơn không được hưởng. Khi ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ ASEAN về được hưởng thuế suất 0%, các DN đã đề nghị mở rộng ưu đãi này nhằm giảm khó khăn cho xe sản xuất lắp ráp trong nước.
Theo quy định mới, sẽ có thêm các DN sản xuất lắp ráp ô tô được hưởng ưu đãi thuế 0% khi nhập khẩu linh kiện. Ví dụ những DN sản xuất lắp ráp xe sang. Sẽ không công bằng nếu họ phải cam kết đạt sản lượng như xe bình dân mới được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện 0%, bởi doanh số bán luôn luôn thấp.
Quan trọng hơn nữa, các DN công nghiệp hỗ trợ, nhập nguyên vật liệu về sản xuất linh kiện, cung cấp cho lắp ráp ô tô mà trong nước chưa sản xuất được cũng được hưởng mức thuế ưu đãi này.
Theo tính toán của các DN, quy định này sẽ giúp cho giá thành ô tô sản xuất lắp ráp tại Việt Nam giảm từ 2-5% tùy từng sản phẩm. Điều đó sẽ giúp cho xe sản xuất lắp ráp trong nước có điều kiện giảm bán, tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Vẫn yếu thế
Mặc dù vậy, các DN cũng cho biết những ưu đãi này chưa đủ mạnh để tạo ưu thế đáng kể cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước so với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN. Theo ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc TC Motor, nó mới chỉ giúp thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh giữa sản phẩm lắp ráp trong nước với sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc.
Sản lượng thấp dẫn đến chi phí sản xuất linh kiện ô tô tại Việt Nam vẫn cao gấp 2-3 lần so với các nước trong khu vực. Vì thế, xe sản xuất lắp ráp trong nước khó cạnh tranh nổi với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN.
Thêm ưu đãi này, ước tính xe sản xuất lắp ráp trong nước giảm được chi phí khoảng 15-17% so với thời điểm cuối 2018. Trong khi đó, do được hưởng thuế nhập khẩu 0%, xe nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam có thể giảm từ 23-25%.
Không những thế, từ năm 2020, các “rào cản” với nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đã được loại bỏ. Xe nhập thay thế kiểm tra chất lượng theo lô bằng kiểm tra mẫu đại diện. Quy định về Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại do các cơ quan chức năng nước xuất khẩu cấp cũng được bãi bỏ. Xe nhập khẩu từ ASEAN rất dễ dàng tràn vào Việt Nam. Để cạnh tranh với xe nhập khẩu, xe sản xuất lắp ráp trong nước phải có giá bán giảm từ 25-30% mới tạo ra lợi thế.
Thế nhưng các chính sách ưu đãi lớn dành cho xe nội, bàn mãi vẫn chưa thông. Từ cách đây hơn 2 năm, Bộ Công Thương đã đề nghị ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị gia tăng của ô tô sản xuất lắp ráp trong nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Các DN rất mong chờ điều này, bởi nó đủ mạnh để tạo ra lợi thế cho xe sản xuất lắp ráp trong nước.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét điều chỉnh khái niệm "lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô và một số linh kiện ô tô" trở thành "ngành sản xuất có hàm lượng công nghệ cao". Nếu được áp dụng, sẽ có những ưu đãi lớn, qua đó giúp sản xuất ô tô tăng thêm lợi thế, giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh với xe nhập khẩu nguyên chiếc.
Hiện tại chúng tôi vẫn cứ chờ đợi mà không biết đến bao giờ. Sự chậm trễ trong việc ban hành gói chính sách ưu đãi hoàn chỉnh đã ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, ông Lê Ngọc Đức nói.
Không những thế, Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do CPTPP và EVFTA. Thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc theo cam kết sẽ giảm dần về 0% sau 7-10 năm nữa. Tới năm 2030, thị trường ô tô Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn cho các trung tâm sản xuất ô tô lớn trên thế giới bao gồm: ASEAN, Nhật Bản, Mexico và EU.
Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, trước bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và mở cửa thị trường, nếu không đứng vững và phát triển, sau năm 2025 ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ khó tồn tại, thị trường sẽ bị thôn tính.
Carmudi Vietnam là website hàng đầu trong việc cung cấp thông tin và trao đổi mua bán ô tô đáng tin cậy nhất tại Việt Nam!