Hộp đen ô tô có thực sự hữu ích như lời đồn?

Tầm quan trọng của hộp đen ô tô là thắc mắc của nhiều người lái xe. Hiện tại, các dòng xe ô tô kinh doanh vận tải tại Việt Nam theo quy định pháp luật bắt buộc phải gắn hộp đen. Vậy tầm quan trọng khi lắp đặt thiết bị này cho xe ô tô như thế nào?

Hộp đen là gì?

Hộp đen là tên gọi của một loại thiết bị lưu trữ được gắn trên ô tô, hay còn gọi là thiết bị định vị GPS. Hộp đen ra đời nhằm ghi lại dữ liệu hành trình của ô tô, giúp xác định vị trí ô tô đang di chuyển.

Với kích thước chỉ 4 x 10 cm và được cấu tạo bằng kim loại, hộp đen vô cùng nhỏ gọn và chắc chắn, dễ dàng tích hợp chung vào động ơ ô tô. Nhờ vào ưu điểm này, hộp đen có thể chống mọi va đập và có khả năng chống nước, chịu nhiệt tốt. Thậm chí khi nhiệt độ trong xe lên tới 80 độ C cũng không làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của thiết bị này. 

Vị trí lắp đặt của hộp đen khá linh hoạt, tùy vào nhu cầu của người sử dụng. Tuy nhiên, vị trí cũng cần hợp lý và dễ dàng thao tác cho người lái. Hộp đen thường được lắp đặt ở khoang lái, ghế bên phải.

Thông qua sự kết nối với hệ thống máy chủ và được quản lý trực tuyến thông qua trung tâm giám sát SMS / GPRS / GPS, người lái xe có thể quan sát hành trình trên điện thoại hoặc màn hình xe. Hộp đen ô tô sẽ cập nhật và hiển thị tất cả mọi thông tin hành trình về màn hình trung tâm cho người dùng theo dõi.

Hiện nay trên thị trường cung cấp 2 loại hộp đen ô tô phổ biến là có dây và không dây. Loại không dây được nhiều người sử dụng ưa chuộng hơn vì tính gọn nhẹ, giá cả hợp lý, thuận tiện sử dụng. Chủ xe cần lưu ý kiểm tra thường xuyên để tránh hết pin. 

Tính năng của hộp đen

  • Thông tin của chiếc xe và tài xế như: biển số xe, trọng tải, giấy phép lái xe…
  • Định vị vị trí của chiếc xe
  • Xác định được vận tốc, quãng đường di chuyển của xe
  • Hiển thị thông tin về địa điểm, vị trí dừng, đỗ xe
  • Quản lý lượng tiêu thụ nhiên liệu
  • Kết nối với camera giám sát để quản lý số hành khách trên xe, quản lý tài xế.

Với những công dụng trên, hộp đen ô tô được các hãng kinh doanh vận tải đặc biệt chú trọng lắp đặt cho các phương tiện của mình để thuận tiện hơn trong việc quản lý. Nghị định số 86/2014/NĐ-CP quy định một số thông tin như sau:

1. Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công - ten - nơ, xe đầu kéo kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc hoạt động kinh doanh vận tải và xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa phải gắn thiết bị giám sát hành trình; thiết bị giám sát hành trình phải đảm bảo tình trạng kỹ thuật tốt và hoạt động liên tục trong thời gian xe tham gia giao thông.

2. Đối với những loại xe chưa được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước khi Nghị định này có hiệu lực thì việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình được thực hiện theo lộ trình sau đây:

a) Trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 đối với xe taxi, xe đầu kéo kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc kinh doanh vận tải;

b) Trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 10 tấn trở lên;

c) Trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 07 tấn đến dưới 10 tấn;

d) Trước ngày 01 tháng 01 năm 2017 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 3,5 tấn đến dưới 07 tấn;

đ) Trước ngày 01 tháng 7 năm 2018 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn

Carmudi Vietnam là website hàng đầu trong việc cung cấp thông tin và trao đổi mua bán ô tô đáng tin cậy nhất tại Việt Nam!