Hệ thống phanh ABS ảnh hưởng thế nào đến sự an toàn của bạn
Cấu tạo
Mặc dù ra đời từ những năm 1970, nhưng thời điểm đó hệ thống phanh ABSchỉ được áp dụng trên máy bay, đến nay qua rất nhiều lần cải tiến, hệ thống này đã dần trở thành một bộ phận được lắp đặt trên 75% các xe ô tô, giúp hạn chế rất nhiều vụ tai nạn. Tuy nhiên dù thay đổi như thế nào thì hệ thống phanh ABS đều có chung cấu tạo gồm 3 bộ phận chính:
Wheel Speed Sensor (cảm biến tốc độ 4 bánh): nhiệm vụ của các cảm biến này là đo đạc tốc độ của các bánh xe và báo về bộ điều khiển trung tâm.
ABS Control Module (bộ điều khiển chống bó cứng phanh): Đây là trái tim của phanh ABS, thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận thông tin từ các cảm biến để quyết định thời điểm kích hoạt phanh và ngắt phanh.
Hydraulic pump and valves (bộ điều khiển thủy lực): Tiếp thận thông tin từ bộ điều khiển ABS và tiến hành “ngắt, nhả” phanh từng bánh.
Cơ chế hoạt động
Đầu tiên, ABS chỉ được kích hoạt khi xe đạt vận tốc trên 20km/h, dưới vận tốc này thì phanh có đủ khả năng dừng xe ngay lập tức khi người lái thắng gấp, nhà sản xuất mặc định tắt ABS trong các trường hợp không cần thiết sẽ giúp tăng tuổi thọ cho hệ thống. Khi tình huống nguy hiểm xảy ra, chẳng hạn như bạn gặp một chướng ngại vật trên đường và nhấn phanh gấp, dầu thắng sẽ được đẩy vào bộ điều khiển thủy lực và nén tại đây để tăng áp suất trước khi truyền đến bốn bánh xe, lúc này hệ thống phanh ABS vẫn đang trong trạng thái chờ. Cùnglúc đó, bộ điều khiển chống bó cứng phanh sẽ liên tục xử lý thông tin về tốc độ của từng bánh được các cảm biến gửi về. Nếu nhận thấy bánh nào đó tốc độ sắp về 0 (bị bó cứng) thì ABS sẽ lập tức ngắt valve dầu tại bánh đó (nhả phanh) giúp bánh lấy lại tốc độ để điều hướng cho xe. ABS có thể kiểm soát 1 bánh hoặc cả 4 bánh với thời điểm ngắt nhả phanh khác nhau, việc ngắt nhả này được thực hiện với tốc độ cực nhanh, 30 lần/ giây để đảm bảo quãng đường phanh là ngắn nhất và các bánh vẫn điều hướng được cho xe khi tài xế đánh vô lăng.
Lợi ích thực tế
Khi một xe có lắp ABS, nghĩa là các bánh sẽ không bị khóa cứng và nó có thể xoay để dẫn hướng cho xe trong khi vẫn thực hiện nhiệm vụ hãm tốc độ. Điểm mấu chốt của hệ thống này là giúp tài xế làm chủ tay lái trong khi xe thắng gấp, các bánh xe sẽ không bị khóa cứng và trượt do quán tính, nhằm hạn chế tai nạn do mất kiểm soát xe gây ra. Để đảm bảo phanh ABS hoạt động thông suốt, sau khi nhấn mạnh bàn đạp phanh, người lái cần giữ nguyên áp lực đó để hệ thống ABS làm việc. Bạn sẽ cảm thấy bàn đạp rung lên bần bật và phát ra tiếng kêu “kịch kịch” rất rõ, đó là dấu hiệu cho thấy ABS đang hoạt động rất tốt, tránh trường hợp hốt hoảng rồi thả chân phanh ra, ABS sẽ tự ngắt ngay lập tức và bạn sẽ rơi vào tình huống va chạm nguy hiểm.
Qua việc trải nghiệm các tình huống thực tế, phanh ABS sẽ hỗ trợ bạn trong các trường hợp như đạp phanh rồi đánh lái gấp để né chướng ngại vật bất ngờ phía trước xe hoặc vào cua quá nhanh và cần giảm tốc độ xe để tránh bị dư lái hoặc thiếu lái. Ngoài ra ABS cũng phát huy tác dụng trong trường hợp bề mặt đường ở bốn bánh xe khác nhau, ví dụ: tình huống thắng gấp và đánh lái để tránh xe ngược chiều, lúc đó 2 bánh xe bên tài trên mặt đường nhựa nhưng 2 bánh bên phụ lại nằm dưới lề đường bằng đất hoặc cát, ABS sẽ được kích hoạt để phân phối lực phanh khác nhau lên các bánh nhằm tạo độ cân bằng cho xe.
Đối với xe không được trang bị ABS, sau khi nhấn mạnh phanh, các bánh xe sẽ bị khóa cứng dưới áp lực dầu trong đường ống phanh. Sau đó xe sẽ bị trượt theo quán tính và người lái mất hoàn toàn quyền kiểm soát xe, các tài xế lâu năm thường truyền tai nhau cách thoát khỏi việc bị khóa bánh bằng cách nhấp rồi nhả chân phanh liên tục, tuy nhiên tốc độ khi bạn tự làm việc này rất chậm nên dẫn đến tình huống được xử lý sẽ kém hiệu quả.
Những điều cần lưu ý
Khi thấy đèn ABS sáng, nó báo hiệu hệ thống đã có vấn đề và không hoạt động ổn định, bạn cần mang xe đến ngay hãng để kiểm tra. ABS không làm quãng đường bạn thắng xe trở nên ngắn hơn mà ngược lại còn dài hơn ở một số trường hợp. Trong lúc ABS hoạt động, đừng quên đánh tay lái để tránh chướng ngại vật vì mục đích tổn tại của phanh ABS là giúp bạn thực hiện điều này. Sau khi đạp mạnh hãy giữ nguyên chân phanh để ABS hoạt động, đừng thấy chân phanh rung mạnh mà bỏ ra, ABS sẽ tự tắt.
Cuối cùng, ABS giúp bạn kiểm soát chiếc xe trong các tình huống khẩn cấp nhưng nó cũng có giới hạn, vì vậy hãy làm chủ tay lái và đừng lái xe quá nhanh.