Giải mã hệ thống khởi hành ngang dốc và hỗ trợ đổ dốc trên ô tô
Chắc hẳn trong quá trình từ khi học lái xe cho đến khi tự tin ôm vô lăng “xế hộp” vi vu trên những hành trình dài, không ít lần chúng ta trải qua những tình huống “vượt đèo, leo dốc hay hãm tốc đổ đèo”. Trong những tình huống thực tế này, sẽ là một “thảm họa” nếu lái xe không khéo léo trong việc dừng xe hay khởi hành ngang dốc.
Bởi một chút sai xót trong từng thao tác lái có thể khiến chiếc xe của bạn tuột dốc. Đây thực sự là một tình huống nguy hiểm khi đi đường đèo dốc, đặc biệt là với những quốc gia có vị trí đại lý trải dài và nhiều đèo dốc như ở Việt Nam. Chính điều này, ngày càng có nhiều mẫu xe bán trên thị trường được các hãng xe trang bị hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc (HAC) hay hệ thống hỗ trợ đổ dốc (DAC). Vậy hệ thống này hỗ trợ như thế nào cho người lái, và trong quá trình lái xe làm sao để phát huy tác dụng của hệ thống này?
Tự tin hơn khi đi trên đường đèo dốc
Không ít tài xế khi điều khiển xe đi lại trên đường đèo dốc hay ngay cả khi dừng đèn đổ trên dốc, đi lại qua các dốc cầu trong đô thị đông đúc người xe đều cho rằng. Sự xuất hiện của hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc (HAC) song song với hệ thống hỗ trợ đổ dốc (DAC) giúp họ tự tin và có cảm giác an toàn hơn trong từng thao tác xử lý.
Trong quá trình học lái xe, với bài tập khởi hành ngang dốc, sẽ không ít lần chiếc xe của bạn bị trôi dốc, hay vút ga lao về phía trước do sự phối hợp không nhịp nhàng giữa việc “phanh ra thì ga vào”. Sự xuất hiện của hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc (HAC) phần nào hỗ trợ người lái thoải mái hơn trong việc này. Cụ thể, khi hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc được kích hoạt, bạn buông chân phanh, chiếc xe vẫn đứng yên trên dốc trong một khoảng thời gian nhất định, để bạn có thể đổi từ chân phanh sang chân ga và cho xe tiếp tục di chuyển.
Trong khi đó, hệ thống hỗ trợ đổ dốc (DAC) sẽ giúp xe sẽ từ từ lăn bánh một cách nhẹ nhàng và an toàn khi đang xuống dốc mà không cần hãm phanh liên tục hay điều chỉnh các cấp số.
Hệ thống hỗ trợ lên dốc HAC
Hệ thống HAC (Hill Start Assisst Control) hay còn được nhiều hãng gọi dưới cái tên là hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc HSA.
Hệ thống này được tích hợp sẵn trong xe và tự động hoạt động khi cần thiết. Cụ thể, với từng hãng, họ sẽ áp dụng những công nghệ khác nhau cho tính năng này, điển hình là Volkswagen, hãng sử dụng một con quay hồi chuyển để xác định vị trí khi xe nằm trên mặt phẳng nghiêng, nếu lớn hơn 5 độ, Ecu sẽ ra lệnh khóa cứng thắng và giữ cho xe nằm im trên dốc. Khi người lái nhấn vào chân ga, hệ thống sẽ tự động nhả thắng từ từ đến khi vòng tua máy đủ để kéo xe lên mà không bị tụt lại phía sau. Mặt khác, hệ thống hỗ trợ lên dốc của Toyota sử dụng các cảm biến để đo độ lùi của bánh xe, nếu nhận thấy xe chuẩn bị tuột dốc, hệ thống sẽ tự động đặt một lực phanh nhất định lên 4 bánh và khi người lái tăng tốc, tương tự như Volkswagen hệ thống cũng sẽ từ từ nhả thắng ra giúp xe tiến tới.
Khi xem đến tính năng liên quan đến đèo dốc, đa phần người dùng không quan tâm lắm khi nhu cầu sử dung chỉ đi loanh quoanh trong thành phố. Tuy nhiên trong một số trường hợp nó trở nên cực kỳ hữu dụng, chẳng hạn bạn gặp phải tình trạng kẹt xe trên dốc cầu, kẹt xe trong hầm của các trung tâm thương mại hoặc cố gắng chạy xe lên dốc để vào nhà. Trong các tình huống trên nếu xe không hỗ trợ hệ thống HAC rất có thể xe bạn sẽ bị trôi và va chạm với xe phía sau trước khi bạn kịp nhấn sang chân ga.
Hệ thống hỗ trợ xuống dốc DAC
Trên thực tế, người lái không thể cảm nhận rõ độ trơn trượt và độ dốc của mặt đường để áp một phanh hoặc tăng ga thích hợp, vì thế các tai nạn trên đường đèo dốc đa số do lỗi của tài xế gây ra. Các nhà sản xuất cung cấp cho người lái chế độ hỗ trợ xuống dốc DAC, nó được kích hoạt thông qua một nút bấm trên bảng táp lô, xe vẫn sử dụng con quay hồi chuyển hoặc cảm biến bánh xe chung với hệ thống HAC để do đạc các thông số.
Khi DAC hoạt động, hệ thống sẽ giữ tốc độ trung bình ở mức 25km/h thông qua việc điều khiển hệ thống phanh ABS và hệ thống kiểm soát lực kéo TRC (còn gọi là TCS hoặc ASR) để quyết định thời điểm tăng ga hoặc giảm tốc độ từng bánh riêng biệt, nhằm tránh tình trạng xe bị trượt xuống dốc.
Có nhiều ý kiến cho rằng việc chống trượt cho xe đã có các hệ thống như ABS, TRC hay EBD đảm nhiệm, tuy nhiên các hệ thống trên vẫn hoạt động dựa trên 1 phần tác động lực của người lái lên chân ga hoặc chân thắng, đôi khi việc này cũng phát sinh một số lỗi chủ quan từ người lái. Nhưng bằng các thuật toán được phát triển cho hệ thống DAC, nó sẽ giành quyền kiểm soát tất cả các hệ thống an toàn của xe cũng như kiểm soát luôn chân ga và chân thắng để ra lệnh khi nào cần thắng, khi nào cần tăng ga trên từng bánh xe và ấn định công suất của động cơ nằm ở ngưỡng nào là phù hợp. Công nghệ hỗ trợ đổ đèo DAC giúp nâng cao tính an toàn khi đổ đèo cho tài xế đặc biệt khi xe đi dưới trời mua và đường bùn lầy trơn trượt.