Đề xuất giảm thêm thuế nhằm giảm giá xe, kích cầu hậu Covid-19
Chờ đợi hoàn thiện hướng dẫn
Vào ngày 15/9, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2020/NĐ-CP về việc gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô con trong nước.
Cụ thể, số thuế tiêu thụ đặc biệt phát sinh của kỳ tính thuế tháng 3/2020 nộp chậm nhất là ngày 20/9/2020, tháng 4/2020 chậm nhất vào ngày 20/10/2020, tháng 5/2020 chậm nhất vào ngày 20/11/2020. Và 20/12/2020 là hạn chót của các tháng 6, 7, 8, 9 và 10.
Tổng cục Thuế đã nhanh chóng có công điện gửi Cục Thuế các tỉnh và thành phố trên cả nước ngay khi Nghị định 109 vừa được ban hành. Tổng cục yêu cầu triển khai kịp thời thực hiện gia hạn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt của ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo quy định mới, hỗ trợ cho việc sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Đồng thời, vào ngày 29/5 trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục khó khăn sau dịch Covid-19, áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô trong nước đến hết năm 2020; thuế tiêu phụ đặc biệt phát sinh từ tháng 3/2020 đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được gia hạn muộn nhất vào ngày 31/12/2020.
Tuy nhiên, phải đến ngày 15/9 tức gần 4 tháng sau, Nghị định 109/2020/NĐ-CP mới được ban hành.
Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Tiểu bán chính sách, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), thuế tiêu thụ đặc biệt của ô tô phải nộp ngay sau khi bán được. Thuế phát sinh trong tháng 3/2020 sẽ phải nộp trước ngày 20/4/2020 và các tháng sau cũng tương tự như vậy. Vì phải chờ soạn thảo Nghị định và không có hướng dẫn cụ thể, các Cục thuế địa phương và doanh nghiệp vẫn phải làm theo quy định thông thường.
Ở thời điểm hiện tại, phí tiêu thụ đặc biệt phát sinh từ tháng 3 đến hết tháng 7/2020 đã được các DN sản xuất, lắp ráp ô tô nộp xong. Đồng nghĩa với việc DN sẽ được gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt phát sinh trong các tháng 8, 9 và 10. Tuy nhiên, thời gian gia hạn nộp thuế còn khá ngắn, chỉ đến 20/12/2020. Các DN nào còn nợ sẽ phải nộp đầy đủ trước kỳ hạn này.
Dù có mục đích giãn thuế, giúp DN duy trì dòng tiền trong giai đoạn khó khăn hậu Covid-19 nhưng Nghị định tới giữa tháng 9 mới được áp dụng đã khiến các DN phải chờ đợi quá lâu.
Giá xe có giảm?
Các DN chia sẻ rằng tuy được lùi thời hạn nộp nhưng nhìn chung họ vẫn phải nộp đầy đủ chứ không được miễn, vì vậy giãn thuế tiêu thụ sẽ không giúp giảm giá ô tô.
Theo đó, chỉ khi thuế giảm thì giá xe ô tô mới có thể giảm. Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ mới đây vừa đề xuất Chính phủ trình Quốc hội giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% cho toàn bộ doanh nghiệp trong năm nay, thay vì chỉ dành cho doanh nghiệp có tổng doanh thu không quá 200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cũng đề nghị giảm 5% thuế giá trị gia tăng để giảm chi phí mua xe, kích cầu tiêu dùng sau Covid-19.
Các DN ô tô cũng được hưởng lợi nếu những chính sách này được áp dụng. Thuế thu nhập doanh nghiệp giảm sẽ giúp giảm 50% thuế VAT, dẫn đến giá ô tô giảm thêm khoảng 5% so với hiện nay.
Từ đầu năm 2020 đến nay, các DN ô tô đã gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid. Người dân và các DN khác không có nhiều nhu cầu vận tải, đi lại khiến số lượng xe bán ra giảm sút đáng kể, ảnh hưởng trực tiếp tới việc kinh doanh của các DN ô tô.
Trích dẫn số liệu từ VAMA, số lượng xe bán ra trong 8 tháng vừa qua của các đơn vị thành viên đạt 151.903 chiếc các loại, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái (xe ô tô du lịch giảm 26%; xe thương mại giảm 22% và xe chuyên dụng giảm 36%). So với năm 2019, doanh số của năm nay dự báo sẽ giảm 15%.
Từ ngày 28/6 đến hết năm, Chính phủ đã áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước để kích cầu tiêu dùng. Mặt khác, các DN và đại lý bán lẻ cũng tự đưa ra chính sách hỗ trợ cho khách hàng mua xe.
Dù nhiều nỗ lực nhưng tồn kho vẫn cao. VAMA dẫn ra số liệu tồn kho hiện tại cao hơn 120% so với cùng kỳ năm ngoái. Để bán được xe, thanh lý hàng tồn, nhiều DN đã phải chấp nhận thua lỗ, thực hiện đại hạ giá. Các DN cho biết chi phí cơ bảng hàng tháng lớn nhưng nguồn thu giảm mạnh khiến mất cân đối tài chính, nếu kéo dài thêm sẽ dễ dẫn đến phá sản.
Chẳng hạn như trong nửa đầu năm 2020, Công ty ô tô VinFast có lỗ ròng lên đến 6.591 tỷ đồng, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Các mẫu xe của VinFast đều bán lỗ từ hàng chục cho tới hàng trăm triệu đồng mỗi chiếc kể từ khi ra mắt đến nay.
Nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước, Nghị quyết 48/NQ-CP của Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng đến nay vẫn chưa thấy động thái nào. Nếu thực sự thuế tiêu thụ được giảm thì giá ô tô trong nước sẽ giảm theo, khả năng cạnh tranh cũng sẽ tăng.
Carmudi Vietnam là website hàng đầu trong việc cung cấp thông tin và trao đổi mua bán ô tô đáng tin cậy nhất tại Việt Nam!