Có nên mua xe có nhiều “option"?
Một người bố làm việc trong trung tâm y tế tại Mỹ đã vô tình bỏ quên 2 đứa con song sinh mới chỉ một tuổi trong xe hơi dưới nhiệt độ bên ngoài là 30 độ C. Hai đứa trẻ đã bị bỏ quên suốt 8 giờ đồng hồ với nhiệt độ trong xe còn nóng hơn bên ngoài rất nhiều.
Quả thật, việc quên một điều gì đó là điều dễ hiểu. Chúng ta là con người, mà con người thì không hoàn hảo, chúng ta luôn có thể mắc sai lầm. Bản tin này được chiếu trên đài truyền hình có thêm một đoạn quảng cáo về tính năng chống để quên trẻ trên một mẫu xe Hàn Quốc kèm theo cả cảm biến phát hiện chuyển động (nếu đứa trẻ nghịch ngợm không ngồi trên ghế). Khi người lái bỏ quên trẻ em hay vật nuôi trên xe và khóa xe lại, chiếc xe sẽ bật cảnh báo qua còi và đèn liên tục, đồng thời gửi cả cảnh báo vào điện thoại qua hệ thống BlueLink…
Nếu ông bố trẻ kia đi xe có chức năng đó, mọi việc chắc sẽ không trở thành một tấn bi kịch.
Có người từng bảo rằng xe Hàn chỉ được mấy cái option linh tinh lòe thiên hạ, cả đời có khi chả dùng đến. Tuy nhiên, có những option chúng ta không bao giờ mong muốn phải dùng đến như: túi khí, dây an toàn hay cân bằng điện tử; nhưng một khi chúng được sử dụng, chúng có thể quyết định mạng sống của chúng ta. Những thứ như bộ công nghệ cân bằng điện tử (Electronic Stability Control/Program – ESC/ESP) là trang bị bắt buộc đối với tất cả các dòng xe được bán ra ở châu Âu. Và hiện, ESP cũng đã được trang bị trên các mẫu xe Yaris/Vios đời mới của Toyota tại Việt Nam.
Đôi khi có những tình huống nằm ngoài dự đoán và năng lực của con người, đó là khi những “option” an toàn phát huy tác dụng. Ví dụ như hệ thống phanh kết hợp CBS - Combi Brake System, lực phanh được phân bổ đều và xe vẫn đứng vững, nếu vẫn sử dụng hệ thống phanh đĩa thông thường thì điều này chắc khó đảm bảo.
Nhhững option an toàn trên ngôi nhà như hệ thống chữa cháy tự động cũng phát huy hiệu quả khi chủ vắng nhà hay đang ngủ say... Đó là những thiết bị ít ai muốn phải xài đến, tuy nhiên nếu không có chúng thì sẽ không an toàn. Một số người nói rằng, xe càng nhiều option càng dễ hỏng vặt, vì vậy chưa chắc đã đáng tin cậy. Đúng là như vậy, cư dân mạng vẫn lan truyền câu nói của một giám đốc truyền thông BMW: "Thưa anh, mỗi chiếc Toyota có khoảng 30.000 chi tiết, tính đến mức nhỏ nhất là con ốc. Trên BMW là 50.000. Vì thế, xe Toyota không thể hỏng những gì nó không có".
Volvo là hãng xe sản sinh ra những mẫu xe an toàn nhất thế giới, là hãng xe phát minh ra kính chắn gió an toàn, dây đai an toàn 3 điểm, khung xe chịu lực, túi khí bên, cảnh báo điểm mù... là hãng xe đầu tiên trang bị ABS, đèn phanh chính giữa phía sau, đèn ban ngày, túi khí cho người đi bộ... và vô vàn những option khác nữa. Do vậy mà Volvo cũng thường đứng đầu bảng về tỷ lệ triệu hồi xe (xếp thứ 4 với 83.5% xe dính lỗi – theo Iseecars, 2014) hay tỷ lệ lỗi trong 90 ngày đầu (xếp thứ 3 với tỷ lệ 122 lỗi trên 100 xe – theo JDpower, 2018). Lỗi nhiều như vậy, nhưng ai nói Volvo là thương hiệu không đáng tin cậy?
Một vị lãnh đạo của một hãng xe Hàn Quốc đã từng nói, tập đoàn của họ không hướng tới sản xuất những mẫu xe "bền mãi với thời gian", mà chú trọng hơn vào tính năng an toàn, trải nghiệm của người lái, do đó họ không nhất thiết phải đua tranh với các hãng khác về độ bền động cơ mà còn ưu tiên vào những thứ khác nữa.
Về phần người tiêu dùng, bạn sẽ chọn một chiếc xe có thể dùng 20 năm không hỏng hay một chiếc có thật nhiều “option" tiện dụng? Điều này phụ thuộc vào mục đích bạn sử dụng chiếc ô tô, nếu bạn muốn dùng nó để kinh doanh, lái taxi, thì hãy chọn chiếc xe càng ít option càng tốt, càng bền càng tốt. Nhưng nếu bạn mua một chiếc xe để che mưa nắng, để chở đủ cả nhà đi chơi, đi làm, đưa con đi học, mua chiếc xe để bảo vệ an toàn cho cả nhà thì hãy cố gắng mua một chiếc xe càng nhiều option càng tốt.