Cơ chế của giảm chấn (Shock Absorber) trên xe ô tô

Shock Absorber (bộ giảm chấn) giúp chiếc xe của bạn không bị chồng chềnh như một chiếc thuyền trên biển. Vậy để làm được việc đó, nó đã hoạt động như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu nhé!

Nhiệm vụ của giảm chấn (Shock Absorber)

Sự chuyển hướng của xe trong quá trình di chuyển cộng với mặt đường ít khi bằng phẳng khiến bánh xe luôn dao động bởi các tác động ấy, từ đó ảnh hưởng tới thân xe và người ngồi trên xe. Lò xo tuy có thể làm giảm xung lực tác động nhưng những va đập từ mặt đường dội lên và khối lượng đè của bánh xe khiến nó chịu không ít sự dao động. Để khắc phục hiện tượng này, cần sự có mặt của Shock Absorber - bộ phận giúp dập tắt các dao động nói trên. Trong số các loại Shock Absorber phổ biến hiện nay như: Shock Absorber loại 1 ống, loại 2 ống, hơi áp lực 2 ống, thủy lực… Shock Absorber 2 ống được sử dụng khá nhiều trên xe ô tô.

Shock Absorber trên xe Peugeot 106

Các chế độ làm việc của giảm chấn (Shock Absorber)

Shock Absorber hoạt động với hai chế độ là trạng thái nén và trạng thái trả. Hai trạng thái chính này tiếp tục chia ra nén mạnh, nén nhẹ, trả mạnh và trả nhẹ.

Các chế độ làm việc của giảm chấn (Shock Absorber) trên hệ thống treo

Chế độ nén:

- Nén mạnh: Lúc này khung xe và cầu xe tiến lại gần nhau, piston đi xuống. Vì xe đi qua mặt đường gồ ghề, tốc độ chuyển động của cần piston cao. Khi piston chuyển động xuống nhanh như vậy, áp suất trong buồng dưới piston sẽ tăng cao theo dẫn đến dầu sẽ đẩy mở van một chiều của piston rồi chảy vào buồng trên piston mà không gặp sức cản lớn nào (lúc này chưa phát sinh lực giảm chấn). Đồng thời, khi piston chiếm một lượng thể tích dầu lúc đi vào trong xylanh, lượng dầu đó sẽ làm cho dầu không lên hết buồng trên mà bị ép qua van lá của van đáy rồi chảy vào bầu chứa. Sức cản dòng chảy lúc nào tạo ra lực giảm chấn.

- Nén nhẹ: Lúc này khung xe và cầu xe tiến lại gần nhau, piston đi xuống. Xe đang đi qua mặt đường khá bằng phẳng nên tốc độ chuyển động của cần piston thấp. Khi tốc độ của cần piston xuống mức rất thấp làm áp suất trong buồng trên nhỏ, van một chiều của van piston và van lá của van đáy sẽ không mở. Tuy nhiên, trong van piston và van đáy có các lỗ nhỏ nên dầu vẫn chảy qua đó để vào buồng dưới và bầu chứa. Kết quả chỉ tạo ra một lực cản nhỏ.

Chế độ trả:

- Trả mạnh: Lúc này khung xe và cầu xe ở xa nhau, piston đi lên. Tốc độ chuyển động lên của cần piston cao dẫn đến áp suất trong buồng trên sẽ tăng cao. Dầu sẽ đẩy mở van của piston và chảy vào buồng dưới. Cũng lúc này, sức cản dòng chảy đóng vai trò như lực giảm chấn. Vì một phần cần piston thoát ra khỏi xylanh khi nó chuyển động lên nên thể tích chiếm chỗ của nó giảm xuống. Dầu từ buồng chứa sẽ chảy qua van một chiều để vào buồng trên, bù vào khoảng hụt đó mà không gặp bất kì lực cản đáng kể nào.

- Trả nhẹ: Lúc này khung xe và cầu xe rời ở xa nhau, piston đi lên. Tốc độ chuyển động lên của cần piston thấp khiến áp suất trong buồng dưới giảm chậm, dẫn đến van lá và van một chiều của piston vẫn đóng. Vì lẽ đó, từ các lỗ nhỏ của van piston, dầu trong buồng trên chảy xuống buồng dưới. Dầu trong bầu chứa lúc này cũng chảy qua lỗ nhỏ của van đáy để vào buồng dưới. Vì vậy chỉ tạo ra một lực cản nhỏ.

Van – yếu tố chính làm nên chế độ làm việc của giảm chấn (Shock Absorber)

Van là yếu tố cần thiết giúp điều khiển lực đẩy chất lỏng qua chúng tại một vận tốc piston bất kì. Chúng được chế tạo để mở theo các kỳ dựa trên áp lực chất lỏng. Điều này tạo ra lực cản thấp khi piston di chuyển chậm và lực cản cao khi piston chuyển động nhanh. 

Chúc các bạn lái xe an toàn!

Carmudi Vietnam là website hàng đầu trong việc cung cấp thông tin và trao đổi mua bán ô tô đáng tin cậy nhất tại Việt Nam!

back
Carmudi Vietnam
Đánh giá:
5/5 (10 đánh giá)
Chia sẻ
Tôi cần bán xe cũ