Các bước tẩy vết ố bẩn trên ghế da ô tô
Ghế bọc chất liệu da thường đắt tiền và bền bỉ hơn ghế nỉ, dù vậy, sau khoảng 3 năm sử dụng, lớp phủ tạo độ bóng và lớp bảo vệ bề mặt da sẽ bị mòn đáng kể. Bên cạnh đó, một số thói quen xấu của người dùng ô tô hàng ngày cũng dễ làm ghế da dễ bị ố bẩn xuống cấp.
Để tẩy hết những vết ố bẩn trên ghế, đồng thời giữ cho bề mặt da ghế luôn mềm mại, êm ái, tạo được độ bóng... chủ xe cần vệ sinh đúng cách với các dung dịch chuyên dụng chứ không chỉ lau chùi bằng nước sạch. Sau đây là các bước làm sạch ghế da mà người dùng ô tô cần biết khi tự tay chăm sóc xế cưng của mình:
Kiểm tra bề mặt da bọc ghế
Trước khi vệ sinh ghế da, nên đỗ xe tại nơi có bóng râm, tránh tiếp xúc để xe với ánh nắng mặt trời. Lần lượt kiểm tra các bề mặt da của từng ghế. Nếu phát hiện lỗ thủng hay vệt rách cần chú ý che chắn để tránh nước hoặc hoá chất tẩy rửa thấm vào bên trong ghế, theo thời gian sẽ gây tình trạng ẩm mốc.
Hút sạch bụi bẩn trên bề mặt ghế
Sau bước kiểm tra bề mặt ghế da đã xong xuôi, nên dùng máy hút bụi loại bỏ bụi bẩn bám trên ghế. Những chủ xe thường xuyên tự tay chăm sóc xe tại nhà nên đầu tư 1 chiếc máy hút bụi mini. Luu ý, hút sạch bụi trong các khe ghế, thao tác nhẹ nhàng để tránh làm trầy xước bề mặt da ghế.
Tẩy vết ố bẩn, làm sạch bề mặt da ghế
Cần chuẩn bị bàn chải và ít nhất 2 khăn lau chuyên dụng được làm bằng vải sợi rất mềm để tiến hành làm sạch bề mặt da ghế. Bên cạnh đó, việc chọn dung dịch tẩy rửa cũng rất quan trọng.
Trên thực tế, để thuận tiện nhiều chủ xe thường dùng xà bông rửa chén pha loãng với nước sạch để vệ sinh. Tuy nhiên, đây là một sai lầm. Bởi nước rửa chén hay xà bông giặt vốn chứa nhiều chất tẩy rửa, tính kiềm cao... khi dùng để vệ sinh ghế da sẽ tác động trực tiếp lên lớp bảo da ghế, theo thời gian sẽ làm da ghế bị bạc màu, giảm độ đàn hồi, mềm mại.
Do đó, nên chọn các loại dung dịch tẩy rửa chính hãng chuyên dùng cho nội thất xe hơi để vệ sinh ghế da. Các dung dịch chuyên dụng này không chỉ tẩy rửa hiệu quả mà còn đảm bảo độ mềm mại cho ghế da vF không làm ảnh hưởng đến sức khỏe hành khách .
Xịt dung dịch tẩy rửa lên bề mặt ghế, sau đó dùng khăn sạch lau đều từng bộ phận như: Đệm ghế, tự lưng. Với những vệt ố vàng “cứng đầu” hơn, ta có thể dùng bàn chải lông mềm kết hơp với chất tẩy rửa chuyên dụng để đánh bay. Tuy nhiên, với ghế da có thiết kế lỗ thông hơi, không nên xịt trực tiếp chất tẩy rửa lên bề mặt da, thay vào đó, chủ xe nên để chất tẩy thấm vào bề mặt bàn chải lông mềm rồi mới chà nhẹ lên những khu vực bị ố bẩn. Thao tác này nên làm nhẹ nhàng để không làm sờn bề mặt da ghế.
Lau sạch chất tẩy rửa
Sau khi đã tẩy các vết ố bẩn, nên dùng khăn khô lau sạch chất tẩy rửa còn bám lại trên các bề mặt của từng ghế. Cần lưu ý nên dùng khăn lau chất liệu vải mềm để lau bề mặt da ghế
Dùng chất bảo dưỡng lau bề mặt ghế da
Khi tất cả các ghế đã sạch sẽ và khô ráo, để tạo độ bóng cũng như bảo vệ bề mặt da ghế, ta nên dùng dưỡng chất thấm vào khăn khô để lau lại các bề mặt của ghế da. Để ghế khô trong khoảng 5 đến 10 phút trước khi sử dụng.
Theo lời khuyên của các chuyên viên chăm sóc xe, người dùng cần vệ sinh bảo dưỡng ghế da sau khoảng 3 tháng sử dụng để giữ cho bề mặt da ghế luôn mềm mại, đạt được độ bóng cần thiết, tăng giá trị cho chiếc xe.