Bán xe hơi trực tuyến: Điểm sáng nào cho mô hình này?
Tháng 2/2019, hãng xe Mỹ Tesla đưa ra thông báo chính thức sẽ áp dụng mô hình bán hàng D2C (Direct To Customer), tức là bán sản phẩm trực tiếp đến khách hàng thông qua đại lý trung gian (dealer). Theo đó, toàn bộ showroom của Tesla sẽ bị đóng cửa. Sự kiện này khiến nhiều người vô cùng bất ngờ nhưng cũng cho thấy hướng đi trong tương lai của hãng xe khá phù hợp với xu thế tất yếu hiện nay của người tiêu dùng. Việc áp dụng nền tảng công nghệ 4.0 giúp các giao dịch online trở nên tiện, nhanh và gọn hơn, ý tưởng mua ô tô như các vật dụng thiết yếu như đồ dùng gia đình, mỹ phẩm, quần áo... qua internet vô cùng thực tế.
Tại Mỹ, Nissan (General Motors) cũng đã có kế hoạch triển khai mô hình này. Còn tại Việt Nam, nhiều hãng đã bắt đầu cuộc đua chuyển đổi số mua - bán xe trực tuyến.
Xu hướng bán oto online ở Việt Nam
Nửa cuối tháng 1/2021, VinFast ra mắt mô hình mua sắm O2O – từ trên mạng đến cửa hàng (online to offline). Tại đây, khách hàng có thể lựa chọn phiên bản, màu sắc nội, ngoại thất, hình thức thanh toán. Người mua lựa chọn khu vực sinh sống để có gợi ý showroom nơi gần nhất và tiến hành các thủ tục tiếp theo.
Hiện tại VinFast chưa áp dụng hình thức thanh toán online cho khách hàng nhưng sau khi hoàn thành thủ thục mua bán với đại lý, hãng hỗ trợ giao xe tại nhà nếu khách hàng muốn. Đối với việc phê duyệt hồ sơ vay online, Vinfast sẽ kết hợp với ngân hàng làm thủ tục thẩm định online bằng cách: khách hàng gửi thông tin lên trang thẩm định, ngân hàng sau đó sẽ có khung và mức vay sơ bộ. Nhân viên sau đó gọi hỗ trợ trực tiếp và khách không cần đến quầy giao dịch.
Mercedes Việt Nam cũng lần đầu vận hành giao diện mua sắm xe online vào tháng 3/2021. Hãng cho phép khách chọn các mẫu xe kèm trang bị có sẵn, báo giá và kết nối với đại lý khách hàng chọn (có gợi ý). Giao dịch được thực hiện giữa đại lý và khách hàng.
TC Motor cũng triển khai hình thức đặt xe online từ giữa tháng 6/2021. Tuy nhiên, hãng chỉ mới áp dụng cho mẫu Santa Fe, những mẫu xe còn lại trong dải sản phẩm dự kiến sẽ đưa lên trong thời gian tới. Hãng cũng cho phép khách hàng chọn màu xe, phiên bản, hình thức thanh toán và đặt hàng trực tuyến.
Việc sử dụng các nền tảng thương mại điện tử mua xe ô tô cho phép khách hàng dễ dàng hình dung một cách tổng quan về cấu hình xe được lựa chọn theo sở thích và so sánh cùng lúc nhiều mẫu xe, điều mà khi khách có mặt ở đại lý thường không thể thực hiện.
Hiện nay cả VinFast, TC Motor, Mercedes đã và đang áp dụng phương thức triển khai trực tuyến này và khẳng định rằng khách sẽ được mua đúng giá đề xuất như trên trang online hoặc thấp hơn.
Ông Nguyễn Trung Kiên, giám đốc công nghệ công ty Novaon Martech đưa ra nhận định như sau: "Nếu so với ngành điện tử, công nghệ, việc các hãng xe gần đây xây dựng các nền tảng bán xe online là điều không mới nếu không nói khá chậm. Khi tâm lý khách hàng dần quen với giao dịch điện tử và công nghệ đến độ chín mùi, hình thức này xuất hiện như xu hướng phát triển tất yếu”.
Theo ông Kiên, ngành bán xe online mới chỉ triển khai ở cấp độ cơ bản nhất do tính chất đặc thù của ngành hàng có giá trị cao. Khách hàng ưu tiên tính trải nghiệm thực tế khi mua xe và điều này tồn tại từ lâu như một nếp quen khó thay đổi trong ngắn hạn. Các hãng trước đây cũng chưa chú ý nhiều đến lĩnh vực bán xe trực tuyến bởi hệ thống đại lý vẫn hoạt động tốt.
Ngày nay thói quen mua sắm của nhiều khách hàng đã thay đổi, tiêu biểu ở lĩnh vực cho vay, thanh toán, thủ tục ngân hàng đều được chuyển đổi số, đã đến lúc hãng đầu tư xây dựng các nền tảng bán hàng online. Các thủ tục trực tuyến sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí vận hành và giảm giá bán xuống thấp nhất có thể, điều này vô cùng có lợi cho khách hàng.
Phản hồi trực tiếp của khách hàng đến hãng thông qua các thao tác mua xe online là một kho dữ liệu lớn để hãng nắm bắt được xu hướng mua sắm của người tiêu dùng. Công nghệ có thể chuyển đổi rất nhanh nhưng với các hãng xe, nó không khó thích ứng bằng tâm lý của con người với câu hỏi thường trực: Khách hàng, họ đang nghĩ gì?
Hình thức bán xe online hiện nay sẽ chưa thể làm được những công việc như mặc cả giá với nhân viên (tùy cung-cầu) hoặc tình trạng nâng giá bởi đại lý. Hơn nữa, mua xe online có thể khiến khách hàng đối mặt các trang web giả mạo, dễ bị đánh cắp thông tin cá nhân. Trực tiếp đến showroom xem xe, thói quen rất khó thay đổi đối với khách hàng ngành ôtô.
Ôtô là một sản phẩm đặc thù đòi hỏi trải nghiệm thực tế nên vai trò của các đại lý vẫn rất quan trọng. Màu sắc, công nghệ an toàn, tính năng của trang bị, hoạt động của động cơ phải được thao tác thực tế mới cho cảm nhận rõ ràng.
Đặc biệt là những dòng xe cao cấp sẽ khó khăn hơn do tính cá nhân hóa trên từng mẫu xe. Mỗi chiếc xe đều yêu cầu riêng biệt cần sự hỗ trợ của nhân viên tư vấn có chuyên môn lẫn kinh nghiệm. Thao tác đặt hàng online có thể thực hiện nhưng vẫn dựa trên nhu cầu từ khách hàng, theo một hệ thống chung toàn cầu và không đơn lẻ cho từng thị trường.
Những dòng xe nhập khẩu như Porsche, Lexus, BMW, Audi, việc đặt xe sẽ khó phổ biến do xe đưa về Việt Nam đã được chọn sẵn trang bị. Khách hàng chỉ có thể lựa chọn phiên bản và màu nội, ngoại thất.
“Mua bán xe online có nhiều ưu điểm nhưng để chọn và quyết định xuống tiền, khách hàng có xu hướng muốn đến showroom xem tận mắt, sờ tận tay”, sếp phụ trách marketing một hãng Nhật tại Việt Nam nói. “Để làm được như Tesla, không cần lái thử, không cần đại lý, hãng phải tạo ra niềm tin chắc chắn về chất lượng sản phẩm, còn người dùng khi đã quen thì mua xe chủ yếu bằng niềm tin đó”.
Carmudi Vietnam là website hàng đầu trong việc cung cấp thông tin và trao đổi mua bán ô tô đáng tin cậy nhất tại Việt Nam!