7 điều cần lưu ý khi lái xe trên đường cao tốc
Không giống như đường thành phố, ô tô khi di chuyển trên đường cao tốc thường chạy với tốc độ rất cao. Chính vì vậy, bên cạnh việc tập trung cao độ, tài xế cũng phải nắm những kĩ năng cần thiết để xử lí những tính huống cấp bách. Dưới đây là những điều cần lưu ý khi lái xe trên đường cao tốc.
1. Xe phải đảm bảo an toàn
Trước hết, khi lái xe trên đường, điều quan trọng là "xế cưng" của bạn phải thực sự ổn định, đảm bảo các tiêu chí về an toàn. Điều này càng cần thiết hơn khi lái xe trên đường cao tốc, bởi chỉ với một sơ xuất hay chủ quan nhỏ thôi cũng đều có thể dẫn đến tai nạn thảm khốc.
Do đó, trước khi di chuyển trên đường cao tốc, bạn cần kiểm tra một số chi tiết kĩ thuật đơn giản cho xe như kiểm tra hệ thống phanh, hệ thống lái, dầu nhớt, nước làm mát, ắc-quy,...
Bên cạnh đó, lốp xe cũng là chi tiết rất quan trọng mà bạn nên kiểm tra. Bởi lẽ, khi xe di chuyển với vận tốc lớn, lốp xe cũ, mòn sẽ rất dễ bị nổ, gây ra tại nạn. Đầu tiên, hãy kiểm tra độ mòn của lốp đúng theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Nếu nhận thấy dấu hiệu lốp quá mòn, bị nứt gãy, hãy thay thế kịp thời để tránh nguy hiểm. Lưu ý, khi thay nên chọn đúng loại lốp theo quy định của nhà sản xuất.
2. Giữ khoảng cách an toàn với xe đi trước
Nhiều tài xế hay có thói quen “đeo bám” xe trước khi di chuyển trên cao tốc. Điều này sẽ rất nguy hiểm bởi trong trường hợp xe phía trước đột ngột phanh gấp, nguy cơ gây ra tai nạn liên hoàn là rất cao. Chính vì vậy, việc giữ đúng khoảng cách là cực kì quan trọng.
Theo Điều 12, Thông tư số 13/2009/TT – BGTVT ngày 17/7/2009 của Bộ Giao thông vận tải, có ghi rõ về khoảng cách an toàn giữa các xe khi di chuyển trên đường cao tốc. Cụ thể, trong trường hợp thời tiết tốt, mặt đường khô ráo thì khoảng cách an toàn tùy theo tốc độ được quy định như sau:
Xe chạy tốc độ 60 km/h: Khoảng cách an toàn là 30m
Xe chạy tốc độ 60 – 80 km/h: Khoảng cách an toàn là 50m
Xe chạy tốc độ 80 – 100 km/h: Khoảng cách an toàn là 70m
Xe chạy tốc độ 100 – 120 km/h: Khoảng cách an toàn là 90m
Tuy nhiên, trên thực tế, việc ước tính khoảng cách cũng chỉ tương đối. Vì vậy, theo nhiều "tài già" chia sẻ, để giữ an toàn, bạn cũng có thể nhẩm tính theo thời gian. Cụ thể, trong điều kiện thời tiết tốt, bạn cần giữ khoảng cách khoảng 2 đến 3 giây so với xe đi trước. Còn đối với trường hợp thời tiết xấu, tầm nhìn hạn chế (sương mù, mưa to, đường trơn trượt) thì khoảng cách an toàn là khoảng 4 đến 5 giây.
3. Luôn thắt dây an toàn
Rõ ràng, khi xe di chuyển ở vận tốc cao, thường trên 80km, việc luôn thắt dây an toàn là cực kì cần thiết. Việc làm này sẽ giúp bạn bảo vệ chính vì nếu lỡ may tai naj xảy ra.
4. Không quay đầu, lùi xe trên cao tốc
Trên cao tốc, các phương tiện đều di chuyển với vận tốc rất cao. Vì vậy, việc quay đầu xe hoặc lùi xe sẽ cực kì nguy hiểm bởi xe phía sau xe không thể phản ứng kịp.
Hiện nay, dù luật gia thông đường bộ có điều khoản cấm tài xế quay đầu hoặc lùi xe trên cao tốc, tuy nhiên trên thực tế, rất nhiều lái xe vẫn "bất chấp" tất cả dẫn đến không ít vụ tai nạn thương tâm. Ví dụ điển hình nhất là vụ việc xảy ra hồi cuối tháng 11/2016, khi tài xế điều khiển chiếc xe Toyota Innova lái xe chạy lùi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên dẫn đến tai nạn thảm khốc làm 4 người thiệt mạng. Đây chỉ là một ví dụ gần nhất và điển hình nhất, bởi còn có rất nhiều vụ tai nạn tương tự mà nguyên nhân từ việc tài xế quay đầu xe hoặc chạy lùi trên cao tốc.
5. Vào/ra, chuyển làn trên cao tốc
Việc ra vào hay chuyển làn đường trên cao tốc cũng cần phải tuân thủ những quy định an toàn. Lưu ý rằng, khi nhập vào cao tốc, tài xế đều phải chú ý quan sát, bật đèn xi-nhan và vùng điểm mù trong gương, quan sát đủ các hướng xe chạy để tránh va chạm bất ngờ. Bạn phải đi ở làn bên phải, tăng tốc độ cho tới khi bằng hoặc hơn các xe khác thì mới chuyển vào các làn giữa. Nếu tốc độ chưa đủ lớn mà đã nhập các làn giữa thì sẽ cản trở các xe khác, thậm chí có nguy cơ gây tai nạn.
Đối với trường hợp chuyển làn đường khi đang di chuyển. Một nguyên tắc cần nhớ là bạn chỉ nên chuyển dần từng làn một và tuyệt đối không được chuyển liên tiếp nhiều làn vì sẽ rất nguy hiểm.
Khi muốn rời cao tốc bạn cần chuẩn bị trước, tuyệt đối không nên rẽ đột ngột vì sẽ rất dễ gây ra những tai nạn nghiêm trọng. Trong trường hợp bạn đi quá, cảm thấy không đủ an toàn để rẽ thì nên chấp nhận đi tiếp trên cao tốc và chọn chỗ rẽ kế tiếp.
6. Không sử dụng điện thoại, hạn chế tối đa các thao tác không cần thiết
Như đã đề cấp, khi lái xe trên đường cao tốc, tài xế cần phải duy trì sự tập trung tối đa. Chính vì vậy, trong quá trình lái xe, bạn không nên sử dụng điện thoại, hạn chế nghe nhạc lớn và đặc biệt hạn chế những việc không quá cần thiết như chỉnh điều hòa, chỉnh âm thanh hay tìm kiếm đồ vật. Những việc làm này dễ khiến bạn bị "sao lãng" và trên cao tốc, chỉ một giây phút bất cẩn thôi cũng có thể gây nên hậu quả khôn lường.
Bên cạnh đó, nếu bạn đang không khỏe trong người hay đang sử dụng thuốc thì cũng cần chú ý. Bởi lẽ, một số loại thuốc hiện nay thường có những chất gây buồn ngủ và sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình lái xe của bạn.
7. Lưu ý khi dừng đỗ trên cao tốc
Khi xe gặp phải sự cố như hết xăng, hư hỏng và phải dừng khẩn cấp trên đường, cần có những biện pháp đảm bảo tài xế khác nhận biết được xe có vấn đề để chủ động giảm tốc, chuyển làn cho phù hợp. Cụ thể, trong trường hợp này, bạn cần mở đèn báo khẩn cấp để thông báo rằng xe mình đang trục trặc. Tuyệt đối không mở đèn xi-nhan một bên vì điều này dễ gây hiểu lầm cho xe phía sau.
Khi xe đã được di chuyển vào vị trí dừng đỗ, để đảm bảo an toàn, bạn cần sử dụng các vật dụng cảnh báo nguy hiểm để thông báo cho xe khác biết. Ngoài ra, trong trường hợp xe chở nhiều người, trong lúc chờ khác phục sự cố, tốt nhất mọi người nên di chuyển khỏi xe và đứng vào lề đường phía sau lan can để đảm bảo an toàn.