4 hệ thống an toàn trên ô tô đời mới mà bạn cần biết

Hơn 10 năm trước, khái niệm của người lái xe về các tính năng an toàn chỉ gói gọn về số lượng túi khí trong xe và phanh trước là phanh đĩa hay tang trống. Tuy nhiên với những tiến bộ trong ngành kỹ thuật ô tô thì số lượng các trang bị an toàn trên xe cũng tăng lên đáng kể. Bài viết sẽ điểm qua các tính năng từ phổ thông đến cao cấp để bạn hiểu rõ chiếc xe của mình có khả năng bảo vệ người lái như thế nào.

Hệ thống chống bó cứng phanh ABS (Anti Locking Brake System)

Quay ngược thời gian về 10 năm trước, cánh tài xế thường truyền nhau kinh nghiệm là mỗi khi thắng gấp, không nên đạp rồi giữ luôn mà phải “nhấp – nhả” chân thắng để bánh xe không bị khóa cứng. Bởi, khi hiện tượng khóa bánh xảy ra, xe sẽ lao về phía trước theo quán tính và lúc này việc đánh lái là hoàn toàn vô tác dụng. Hiện nay, công nghệ phát triển đã làm thay tài xế công đoạn này và hiệu quả thì cao hơn rất nhiều. Cụ thể mỗi khi bạn đạp mạnh và giữ nguyên chân thắng,hệ thống sẽ kích hoạt bằng việc nhấp nhả liên tục bố thắng ở 4 bánh xe. Người lái có thể cảm nhận rõ qua hiện tượng chân thắng tự động nhồi liên tục và rung mạnh, lúc này bạn phải bình tĩnh và không được nhả chân thắng để giữ hệ thống ABS tiếp tục làm việc.

4 hệ thống an toàn trên ô tô đời mới mà bạn cần biết

Đặc biệt lưu ý, hệ thống chống bó cứng phanh ABS không làm xe bạn dừng nhanh hơn mà nhiệm vụ của nó là giúp bạn vẫn điều khiển được hướng di chuyển của xe trong tình huống thắng khẫn cấp.

Tìm hiểu kĩ hơn về hệ thống ABS qua bài viết Hệ thống phanh ABS ảnh hưởng thế nào đến sự an toàn của bạn.

Hệ thống phân phối lực phanh điện tử EBD (Electric Brakeforke Distribution)

Hệ thống này bổ trợ cho phanh ABS để xe đạt hiệu quả thắng cao nhất. Tác dụng của EBD là giúp cho xe giữ được cân bằng và không bị trượt khi phanh. Cụ thể, khi bạn ôm một góc cua gắt, trọng lượng xe sẽ dồn về 2 bánh ở phía ngược lại, trong trường hợp lực phanh tương đương nhau, 2 bánh chịu ít tải hơn sẽ nhận dư lực phanh nên hiện tượng trượt bánh xảy ra.

4 hệ thống an toàn trên ô tô đời mới mà bạn cần biết

Trong một trường hợp khác, 2 bánh xe phía trước chịu tải nặng hơn 2 bánh sau vì động cơ đặt phía trước và trong tình huống thắng gấp, trọng lượng xe sẽ cộng dồn lên thêm 2 bánh này, vì vậy nếu lực phanh không được phân bố đều, xe sẽ mất kiểm soát và trượt theo quán tính, lúc này hệ thống phanh ABS hoạt động cũng sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn. EBD có nguyên lý hoạt động dựa trên việc thu thập thông tin từ các cảm biến như tốc độ bánh xe, cảm biến giảm tốc,cảm biến gia tốc ngang, và cảm biến áp suất dầu thắng. Sau đó ECU nhận thông tin này và xử lý để đưa ra quyết định tăng lực phanh ở bánh chịu tải lớn và giảm phanh ở bánh ít chịu tải hơn.

Với trọng tâm cao và tải trọng lớn, các xe gầm cao SUV sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ hệ thống phân phối lực phanh điện tử EBD.

Tìm hiểu kĩ hơn về hệ thống EBD qua bài viết Hệ thống phân phối lực phanh điện tử EBD trên ô tô.

Hệ thống cân bằng điện tử ESP (Electric Stability Program)

ESP là tên gọi chung của hệ thống cân bằng điện tử trên ô tô, ngoài ra từng hãng sẽ có tên gọi riêng cho hệ thống này như DSC (BMW, Lanrover), VSC (Toyota, Lexus), VSA (Honda), VDC (Nissan, Fiat). Mặc dù có tên khác nhau nhưng nguyên tắc hoạt động và tác dụng của chúng thì giống nhau.

4 hệ thống an toàn trên ô tô đời mới mà bạn cần biết

ESP có thể hiểu nôm na là hệ thống điều chỉnh hành vi của lái xe, cụ thể, nếu bạn vào góc cua quá nhanh, xe bạn sẽ có xu hướng bị trượt (hiện tượng thiếu lái hoặc dư lái) ra khỏi hướng đi. Với xe có ESP, các cảm biến sẽ thu thập tín hiệu từ vòng xoay của vô lăng, cảm biến chân ga, cảm biến tốc độ từng bánh xe, sau đó hệ thống sẽtự động phanh hoặc trực tiếp giảm công suất động cơ, nhưng nếu xe gần mất kiểm soát, ESP có thể “nhờ vả” đến hệ thống ABS và EBDcan thiệp, để cho xe đi đúng hướng mà người lái muốn.

Điểm bạn cần lưu ý là phải xác định chiếc xe mà bạn đang sử dụng có hệ thống ESP không? 

Tìm hiểu kĩ hơn về hệ thống ESP qua bài viết Hệ thống cân bằng điện tử ESP trên ô tô có tác dụng gì?

Hệ thống chống trượt TCS (Traction Control System)

Cũng như ESP, tên gọi khác nhau của hệ thống này trên các hãng khác nhau là TRC, ASR… Trong điều kiện bình thường, hệ thống này sẽ không hoạt động, nhưng nếu lúc tăng tốc bạn đạp ga quá mạnh, bánh xe sẽ mất độ bám với mặt đường và có trường hợp thân xe sẽ xoay ngang vì quán tính. Thời điểm này TCS sẽ can thiệp bằng việc giảm tốc độ vòng quay của bánh đó để lấy lại độ ma sát với mặt đường. Hệ thống này sẽ phát huy tác dụng trong các tình huống như xe bị sa lầy, đi vào đường mưa trơn trượt, leo dốc cao hoặc xử lý các hiện tượng “Drift” qua góc cua mà người lái không mong muốn.

4 hệ thống an toàn trên ô tô đời mới mà bạn cần biết

Hệ thống chống trượt TCS là “bùa hộ mệnh” cho các xe hiệu suất cao vì loại xe này có gia tốc lớn, và các xe SUV khi thường xuyên phải di chuyển nhiều trên các cung đường xấu.

Tìm hiểu kĩ hơn về hệ thống TCS qua bài viết Hệ thống chống trượt TCS trên ô tô có tác dụng như thế nào?

back
Carmudi Vietnam
Đánh giá:
5/5 (10 đánh giá)
Chia sẻ
Tôi cần bán xe cũ